Multimedia Đọc Báo in

Người đàn bà có bùa ngải

10:40, 28/02/2014
Người ta bảo nhau, bà có bùa ngải. Bà bỏ bùa những đứa trẻ con đến nhà bà chơi, bà làm chúng mê muội, trở nên lười biếng, không chịu nghe lời. Chúng sẽ không chịu lên rẫy cùng cha mẹ, không chịu về nhà mình mà chỉ thích ở nhà bà, nghe lời bà. Thế nên người ta bảo đám con của mình tránh xa nhà bà ra, không được bén mảng đến gần nhà bà, không được tiếp xúc với các con bà, vân vân và vân vân. Đám trẻ con nghe lời cha mẹ lắm, cứ thấy bà là lảng tránh ngay, cấm có lại gần. Chúng cũng chừa các con bà ra, không chơi với mấy anh em nó, dù cho tụi nó có chạy theo xin đi chơi cùng, hay cố gắng lao vào giành trái bóng đang lăn trên sân, tụi nó cũng bị chừa ra một bên, đành lủi thủi ra đứng một góc, hướng đôi mắt thèm thuồng nhìn đám bạn cùng tuổi ầm ầm chơi với nhau.

Bà có ba đứa con trai, đứa nọ cách đứa kia hai tuổi, thằng lớn nhất 11, đứa nhỏ nhất 7 tuổi. Ba anh em cũng ngoan ngoãn lắm, đứa nào cũng biết vâng lời, đỡ đần mẹ, thằng anh biết chẻ củi, nấu cơm, thằng em thì lau nhà rửa chén, đứa út lăng xăng phụ hai anh. Bà không có chồng, chẳng ai biết vì sao, mà cũng chẳng ai hỏi, người ta tò mò, nhưng mà sợ nhiều hơn. Người ta sợ nói chuyện với bà sẽ bị những người xung quanh bắt gặp và xa lánh, sợ nói chuyện với bà sẽ bị trúng bùa ngải của bà, có khi sợ vu vơ nhiều thứ khác nữa.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Bà mới chuyển đến buôn này, mua mảnh vườn nhà ama Tô bán lại. Nhà ama Tô có khu vườn rộng lắm, nhưng bán dần cho mấy người lạ, thành ra bây giờ còn mảnh nhỏ xíu. Xưa kia ama Tô cũng khá giả, nhà có của ăn của để, ching ché cũng nhiều, trâu bò cũng đông. Nhưng mà nhà hiếm con cái, có được đứa con gái thì cũng  sớm về với ông bà khi mới biết gùi nước, thành ra vợ chồng già ra vào hiu quạnh, già lụ khụ mà cũng có hai ông bà với nhau, trâu bò không ai chăn rồi cũng bán, ching ché không ai dùng rồi cũng dần dần ra đi theo mấy người buôn đồ cổ. Ông bà bán chúng đi để có tiền mà mua rau mua gạo, chứ già rồi, chân tay làm không nổi, lấy gì mà ăn. Hết ching ché rồi đến đất nương rẫy, dần dần rồi đến mảnh vườn nhà. Bây giờ nhà ama Tô chỉ còn lại mỗi khoảnh sân trước ngôi nhà dài sập sệ mối mọt gặm nham nhở mấy cây cột lớn. Còn mảnh vườn đã chia năm sẻ bảy cho những người lạ, những người từ xa đến, họ mua mỗi người mỗi mảnh nhỏ để dựng nhà. Bà cũng mua một mảnh như thế. Bà không dựng nhà dài như những người ở đây vẫn làm. Bà cũng dựng nhà gỗ nhưng không có sàn, nền nhà nằm trên mặt đất đổ xi măng bóng nhẵn, mát rượi. Nhìn kiểu nhà đã thấy khác những ngôi nhà quanh đó. Bà không đi lấy nước suối đầu nguồn, không gùi những chiếc gùi mây, không đựng nước trong trái bầu già, cũng không mặc m’iêng như những người ở đây. Bà cho đào một cái giếng ngay sau nhà, giếng sâu, nước trong giếng lúc nào cũng đầy, trong vắt, mát rượi. Hàng ngày bà lấy nước đó để uống, để nấu ăn, để tắm giặt; mọi việc dùng đến nước đều diễn ra ở đấy. Bà chứa nước trong một cái thùng thật lớn, Dùng tay quay, nối sợi gàu dài kéo nước dưới giếng lên. Bà có một khoảnh vườn nhỏ được rào chắn cẩn thận trồng nhiều loại cây lạ, có cả cây cỏ mọc trong rừng. Hàng ngày bà lại kéo nước giếng lên tưới cho khoảnh vườn ấy. Trước giờ ở buôn chẳng ai làm thế, từ thuở ông bà xa xưa, người ở đây đều dùng nước đầu nguồn để ăn uống tắm giặt, tưới cây thì trông chờ vào những cơn mưa từ trời. Đám con gái từ khi chập chững biết đi đã biết theo mẹ ra bến nước, lớn thêm tí nữa thì được cha đan cho cái gùi nhỏ, mẹ bỏ trái bầu nước nhỏ vô rồi đeo lên lưng theo mẹ đi gùi nước. Thế nên, lớn lên đứa con gái nào chẳng biết gùi nước, lại còn gùi giỏi nữa là đằng khác, đứa con gái nào mà không biết gùi nước sẽ bị chê cười, sau này còn không cưới được chồng ấy chứ. Cứ mỗi sáng sớm tinh mơ khi mặt trời mới ló rạng hay chiều tà khi mặt trời sắp đi ngủ, từng đoàn các bà các mẹ, cả những cô gái mới lớn hay đám bé gái mới chập chững biết gùi nước lại nối đuôi nhau lũ lượt ra bến nước đầu nguồn, nơi có rừng cây cổ thụ già trăm tuổi, cây to phải mấy vòng tay người ôm không xuể, để tắm giặt, lấy nước đầy những gùi bầu già mang theo rồi lại nối đuôi nhau về. Bởi vậy việc bà đào giếng ngay vườn nhà cũng làm người ta thấy lạ và tò mò. Mà phàm cái gì làm người ta tò mò thì người ta sẽ chú ý, sẽ bàn tán và kể cho nhau nghe. Thế nên việc bà đến sống ở buôn này khiến người ta nghi hoặc.

Bà mới đến lại sống lặng lẽ, lâu lâu đi ra đi vào, cũng có đôi lần sang nhà nọ nhà kia, nhưng mỗi khi bà sang, chủ nhà có vẻ lảng tránh, cứ ra chiều bận bịu gì đó, bà hỏi gì cũng chỉ trả lời qua loa cho có. Thành ra, bà ở trong buôn cũng đã được vài tuần mà chẳng mấy khi nói chuyện với ai. Đến vài tháng sau thì có mấy nhà gần đó quan tâm hơn đến sự có mặt của bà, nhưng người ta vẫn có vẻ dè chừng, có vẻ hoài nghi.

Thực ra, cũng chẳng ai rõ bà có bùa ngải hay không, bởi chưa ai nhìn thấy cả. Chỉ là, người ta bảo nhau thế. Mà không hiểu sao ở buôn này người ta sợ bùa ngải đến thế. Ama Yel là thầy mo trong buôn có lần trong buổi họp buôn đã nói “mấy người lạ đến đây chẳng có ý đồ gì tốt đẹp đâu, họ đến bỏ bùa buôn mình thôi. Bà con mình phải tránh xa người lạ ra, không là bị dính bùa ngải đấy, tôi không khấn Yang để chữa cho mọi người nổi đâu…” Thế nên người ta càng sợ, sợ Yang phạt, sợ bị bùa ngải, sợ người lạ vào buôn bỏ bùa.

Một bữa, đang lúc ban trưa, các nhà trong buôn đều đi vắng cả. Người lớn thì đi lên đồi lên rẫy làm cỏ, tuốt lúa, đám trẻ con thì đi học. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng con nít quấy khóc hay tiếng chó sủa rời rạc giữa cái nắng hanh hanh. Thằng Y Chiêu từ đâu tất tưởi chạy về, đầu trần tóc bết mồ hôi, mùi nắng vương trên tóc hăng hắc, khét lẹt. Y Chiêu lên 10 tuổi, học lớp 2, nó đi học trễ vì hồi nhỏ còn đi chăn bò giúp mẹ, lớn lên thấy lũ bạn đi học hay hay, thế là đòi cha mẹ cho đi. Nhưng mà nó đi học không đều, bữa đực bữa cái, phần vì thấy đi học khó quá, con chữ viết lên giấy viết hoài mà không đẹp lên được, cứ bị đám bạn cùng lớp chê hoài, phần vì nhà nó neo người, không có ai phụ mẹ nó làm cỏ trên rẫy nên đôi bữa cậu chàng phải nghỉ học lên rẫy giúp mẹ. Hôm nay Y Chiêu cũng bỏ học để theo mẹ đi dọn rẫy cho xong vạt cỏ trước khi đốt đất để chờ mùa mưa xuống là vào vụ trồng. Nó vừa chạy vừa thở dốc vừa reo gọi ai đó, trong buôn vắng teo không thấy bóng người, đáp lại tiếng reo của nó chỉ là tiếng lũ chó giật mình sủa ông ổng giữa trưa nắng. Nó chạy lên cầu thang nhà ama Vôl, cửa nhà đóng kín không thấy ai. Nó nhìn quanh thất vọng, nước mắt tràn ra lăn xuống má nóng hổi cùng lúc với mồ hôi từ hai bên tóc mai tuôn giọt lăn dài. Nó lại nhảy từ sàn nhà dài đánh uỳnh xuống đất, cú nhảy làm nó loạng choạng, cảm giác muốn trẹo cả chân. Nó chạy cà nhắc, mặt nhăn nhó vì đau nhưng vẫn cố chạy. Nó chạy ngang nhà bà, thấy ngôi nhà mở cửa, nó khựng lại, ngập ngừng định vào, nhưng rồi lại quay đầu bước đi vẻ nấn ná. Bà vừa bước ra trông thấy nó, nó quay đầu chạy thẳng, được một đoạn lại quay lại. Y Chiêu đến trước mặt bà, vừa thở dốc vì mệt, giọng run run: “ Mẹ… mẹ bị… rắn cắn…” Bà hiểu ra, giọng gấp gáp gặng hỏi: “ Thế mẹ cháu đâu rồi, đã sơ cứu gì chưa? Dẫn bác đến chỗ mẹ cháu…” Y Chiêu chỉ kịp ấp úng như vậy rồi dẫn bà ra rẫy nhà mình, nó vừa đi vừa chạy, chốc chốc lại ngoái lại như giục bà bước nhanh hơn. Trước khi đi, bà không quên hái thêm nắm lá trong khu vườn nhỏ gần giếng nước mà bà vẫn chăm sóc hàng ngày.

Giữa cái nắng ban trưa đang vào gay gắt, amí Lam ngồi tựa dưới gốc cây Knia ở bìa rẫy, đôi môi tái nhợt khô khốc, tay giữ chặt vết rắn cắn. Sáng nay lúc gom cỏ khô để đốt, amí không để ý có con rắn hổ đất đang cuộn người trên đám cỏ vì màu nó lẫn với màu cỏ khô, vô tình dẫm phải nên bị nó đớp vào chân. Amí không bước đi được, thằng Y Chiêu đi cùng vội chạy đi tìm người đến giúp. Đang trong cơn đau buốt, amí Lam vẫn kịp nhận ra người đang tiến lại gần mình cùng với Y Chiêu trong bộ dạng vội vã gấp gáp. Amí Lam tái mặt, đôi mắt mở to sợ hãi, môi mấp máy không nói thành lời, chỉ nhìn Y Chiêu chớp chớp mắt rồi lịm đi. Bà vừa tới nơi vội bỏ cái túi đeo mang theo đặt ra đất, lôi trong đó ra cái bật lửa, con dao nhỏ xíu và mảnh vải sạch, thêm lọ cồn và băng gạc trắng. Bà dùng cồn lau con dao, bật lửa hơ nóng đầu nhọn và rạch một đường gần vết nanh rắn rồi nhẹ nhàng nặn máu độc ra. Giọt máu đen thẫm chảy ra từ vết rạch. Bà dùng băng gạc lau sạch, lấy nắm lá mang theo nhai nát rồi đắp lên vết cắn và dùng mảnh vải trắng băng lại. Bà quay sang Y Chiêu - nãy giờ đứng gần đó chăm chú nhìn theo những việc bà làm – nói nhẹ nhàng: “Cháu lấy ít nước cho mẹ uống, nhớ là uống từng ít một thôi nhé. Cháu hiểu không?”. Y Chiêu gật gật đầu rồi lật đật chạy lại cái gùi mây của amí nó lấy trái bầu nước mang lại thấm thấm lên môi amí cách cẩn trọng. Lát sau amí Lam cũng dần khỏe lại, cảm thấy chân mình đã cử động được và không còn nhức buốt nữa. Lúc này bà mới yên tâm trở về buôn sau lời cảm ơn rối rít của amí Lam. Chiều hôm đó, người trong buôn lấy làm lạ khi vợ chồng amí Lam và thằng Y Chiêu cầm sang nhà bà một con gà mái tơ, ban đầu họ còn rụt rè nép sau cổng nhưng rồi cũng mạnh dạn bước vào. Bà từ dưới nhà chạy lên, hết sức bất ngờ với những người khách ghé thăm, niềm nở mời họ vào nhà chơi. Thằng Y Chiêu nhìn quanh liên tục, ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, nền xi năng mát lạnh, trên tường có cái tủ nhiều hộc đựng nhiều loại rễ cây vỏ cây khô được sắp xếp ngăn nắp. Nó mon men lại gần cái tủ, đánh vần mãi mới ra chữ “cam thảo”. Tò mò, nó hỏi thành tiếng: “Cái này ăn được không?” Bà cười hiền: “Cái đó thêm với vài vị thuốc khác dùng để nấu nước uống chữa bệnh đó cháu”. Ngồi một lát ama Lam lên tiếng, ý là cảm ơn bà vì đã giúp chữa cho amí Lam hồi sáng, không có bà thì chắc amí Lam về với ông bà rồi, trong nhà chẳng có gì đáng giá nên chỉ biếu bà được con gà như là lễ vật cảm ơn. Ama Lam nói không sõi tiếng Kinh, bà nghe rồi cũng hiểu, vội vã từ chối không nhận con gà, bà bảo người trong buôn thì giúp đỡ nhau thôi, ơn nghĩa gì, hơn nữa bà cũng là thầy thuốc, chữa bệnh cứu người là việc bà nên làm. Bà bảo ama Lam mang con gà về nấu cháo cho amí Lam ăn lấy sức cho mau khỏe.

Từ sau lần nhà ama Lam mang con gà qua nhà bà rồi lại xách về, trong buôn bắt đầu truyền tai nhau về việc bà giúp amí Lam chữa bệnh, amí Lam bị rắn cắn đã được trị khỏi mà không phải cúng Yang, mọi người đã thay đổi cái nhìn với bà, đám trẻ cũng không còn xa lánh bà và các con bà nữa, chịu cho chúng nó chơi chung, thậm chí đến tận ngõ nhà bà để rủ tụi nó đi đá bóng hay câu cá. Sau này, nhiều nhà còn tìm đến nhờ bà chữa bệnh thay vì đi tìm ama Yel để cúng bái. Cuộc sống của buôn dần thay đổi theo những nét mới của những người lạ vào sống trong buôn. Dù đôi khi, đâu đó vẫn còn những nỗi sợ mơ hồ, những sự hoài nghi và có đôi lần người ta vẫn nhắc đến câu chuyện bùa ngải nhưng câu chuyện của họ trở nên không đầu không cuối và giống những câu chuyện kể bên bếp lửa nhà dài. Còn thằng Y Chiêu, sau lần từ nhà bà về, nó bỗng siêng học hơn, lâu lâu lại cầm sách vở sang hỏi bài thằng con thứ 2 của bà. Y Chiêu bảo nó sẽ học tốt để sau này còn làm bác sĩ nữa.

H’Xíu H’Mok


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bạch Mã
22:35, 31/01/2014
Châu về hợp phố
11:37, 24/01/2014
Cho em màu áo tinh khôi
15:10, 26/12/2013
Lời trách của mẹ
09:25, 07/12/2013
Tình Yêu Bún Đậu
08:11, 26/11/2013
Lối về
10:36, 29/10/2013
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.