Multimedia Đọc Báo in

Bản ngã tình yêu

10:17, 29/08/2014
Mỗi lần vợ chồng hục hặc với nhau, anh lại bỏ phố về quê. Lý do để hai người bất hòa đều nhỏ như tim ruồi mật muỗi nhưng nhiều ti tỉ. Chẳng hạn, khi xây nhà, chị bảo, anh có thể quyết mọi thứ nhưng riêng hướng bếp, tủ bếp và màu gạch lót nền nhà bếp để chị chọn. Sợ chồng gạt phăng như mọi bận, chị năn nỉ bằng cái lý ngàn lần chính đáng: “ Nhà ăn bếp nấu gắn liền với đàn bà nên anh cho em cơ hội…”. Tưởng gật đầu, anh chỉ ngồi im nghe chị nói; chị chưa dứt lời, anh đã chém gió, phũ phàng: “ Thế thì không được!”. Chị dịu giọng, như có nước mắt thấm trong từng lời và liên tục “anh ơi”, “anh à” cũng không thuyết phục được chồng; anh lắc đầu nguầy nguậy trước sự ngơ ngác lẫn bực tức của vợ. Chị kiên trì kéo dài hòa đàm nhưng khi “lạt mềm” tỏ ra bất lực chị đành chuyển qua hạ sách “tăng âm đấu khẩu”. Đáp lại, giọng anh vênh lên đầy vẻ cao ngạo, chế áp hoàn toàn lời chị: “ Công sở có sếp thì tại gia cũng phải tương tự. Cứ chín người mười ý, có mà loạn!”. Thế là, khi anh áp đặt được ý mình cũng đồng thời mở đầu “chiến tranh lạnh” giữa hai người.
Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Đơn giản như việc học thêm của con cũng là lý do để anh bực giận với chị. Khi con vào lớp 6, chị cho thằng nhỏ học thêm môn toán, văn và Anh văn, bởi “thấy con người ta học thêm đủ thứ, sốt ruột quá!”. Con đi học thêm được mấy buổi, anh mới hay, thế là hư sự. Chẳng biết tự ái do vợ tự quyết việc này hay ác cảm với học thêm dạy thêm mà anh chủ động “gây chiến”; rằng chị đang hùa theo “hội chứng đám đông”, tiếp tay cho lối giảng dạy thui chột sáng tạo. Anh dẫn chứng những thông tin tác hại về dạy thêm học thêm tràn lan mà báo đài đã nêu rồi dọa “không chừng mẹ đang hại con” khiến chị hoang mang. Con đi học thêm mà chị cứ thấp thỏm; nhỡ có điều gì không hay chắc anh chẳng để cho yên. May là thằng bé học giỏi, liên tục rinh giải thưởng của trường, của thành phố; trong khi chị vui ngời ngời thì anh “tắt đài” lặng lẽ.

Tính áp đặt của anh còn đi quá xa khi săm soi cả việc ăn mặc của chị. Ngoài những lúc đi chơi hay lễ lạc, chị thường mặc giản dị, thoáng mát khi ở nhà. Theo chị, như vậy sẽ thuận tiện cho việc vặt, không ngại khi vào bếp hay lau chùi nhà cửa. Ngược lại, anh cho rằng, mặc đẹp không chỉ cho mình mà còn cho người thân nên không thể lùi xùi, nói chung phải đẹp mọi lúc mọi nơi. Hôm nào đó, khách đến đột ngột, chị không kịp chỉnh trang y phục, thế là anh phật ý. Khách vừa quay lưng là anh xét nét nhìn vợ, giọng dè bỉu: “ Ngó em mặc kìa, trông như người tiền sử!”. Bất ngờ bị hạ cấp, chị nổi nóng, “nổ” liền: “Quá đáng! Cứ nội soi như thế thì ai sống cho được!?”. Lời qua tiếng lại một lúc, hai khuôn mặt vốn má áp môi kề không còn nhìn thẳng vào nhau; đoạn kết là anh vọt lên xe, dông về quê mẹ.

Các con đều đã ra riêng, cha mẹ anh ở với nhau như vợ chồng mới cưới. Là cán bộ tỉnh, có nhà trên phố nhưng nghỉ hưu, ông cụ về quê vì “bà ấy không muốn ra thành phố”. Với bà con trong xóm, đó là điều ngạc nhiên thứ nhất về ông, ngạc nhiên nữa là ông sợ vợ. Có người bảo, cái cách ông đối xử với bà càng củng cố chân lý “ông nào làm to cũng sợ vợ.” Ông chỉ cười, chống chế: “Sợ gì đâu, tôi nể vợ đấy chứ!”.

Nể hay sợ không biết nhưng ngay hồi mới lớn, anh đã cảm nhận những gì cha dành cho mẹ rất khác đàn ông xung quanh. Chuyện đầu tiên phải kể gắn liền với quan niệm tâm linh của bà, trong khi hồi đó không ít người ác cảm với thờ  cúng. Mặc ai cho là mê tín, mẹ anh vẫn không bỏ đức tin của mình, với cái lý chắc như định đề “có thờ có thiêng có kiêng có lành.” Bà nhất định phải chọn ngày lành tháng tốt để khởi sự việc lớn; cả thời khắc an vị chiếc giường cưới của con, bà cũng chờ đúng giờ “an sàng”. Việc sửa soạn lễ vật và nghi thức trong giỗ chạp càng được bà thành tâm chu đáo. Nghe đâu có thầy bói giỏi bà đều tìm đến; ngay sau đó bày biện lễ vật mà nếu bà không giải thích thì chẳng ai biết cúng gì. Cha anh có vẻ không hài lòng với vợ việc này; ông thường lấy câu “linh tự ngã bất linh tự ngã” để khuyên bà đừng sa đà vào những điều huyền bí. Bà không nghe, ông cũng chẳng ép, càng không báng bổ. Khi bị các cụ nghỉ hưu trong xóm phê bình sao để vợ mê tín, ông nửa đùa nửa thật: “ Lỗi do các nhà khoa học chứ đâu phải tại tôi; bởi khoa học không chứng minh được nên bả mới tin những điều huyễn hoặc”.

Cả chuyện ông hay làm việc nhà cũng thành hiện tượng lạ với các bà trong xóm. Những cái miệng thích đưa tin, những đôi tai ưa hóng hớt lấy việc ông giặt đồ hay quét nhà, băm bèo cho vịt hay xắt chuối cho heo làm đề tài trào lộng. Các chị gái ông đặc biệt dị ứng khi thấy em “ưa làm đày tớ cho vợ”. Nghe họ nói, “đàn ông phải làm ba việc lớn”, ông cười: “Đời tôi hết việc lớn rồi nên chắc cứ ăn chơi chờ chết!?”. Lắm lúc ông siêng năng lộ liễu khiến bà cũng ngại khi nhà có khách; ông thì gạt đi “mắc mớ chi ngại!”. Nghe các bà trong xóm khiêu khích “chắc phải sắm cho ông cái váy”; ông giả nghiêm trọng nhưng giọng tưng tửng: “ Tôi mà được vợ hiền như các bà đã có phước; “nữ quản giáo” nhà tôi ác ôn lắm, bả bảo mà không làm là đánh ngay!”. Thế là cả đám lăn ra cười.

Đã có lúc anh lấy làm lạ khi cha không tỏ thái độ cương quyết trước thói quen hút thuốc của mẹ. Bà nghiện thuốc lá nặng, cứ phải hút thứ thuốc quấn nguyên lá được trồng trong vườn nhà. Bà bảo, câu ca “Tiếng đồn con gái Quảng Đà/mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người” được cắt rốn ngay tại vùng đất chuyên canh thuốc lá bên bờ sông Thu Bồn này. Bà trồng thuốc, tập tò với điếu thuốc rồi nghiện từ khi chưa qua tuổi hai mươi. Mùi khét nồng từ khói thuốc do bà thải ra khiến mấy đứa cháu khó chịu; cứ thấy bà vấn thuốc, xòe lửa là chúng nhăn mặt, phẩy tay, dạt đi nơi khác. Có đứa tự phong cảnh sát môi trường tại gia, quyết ngăn bà hút thuốc, thuốc lá bà để đâu chúng cũng tìm cho được để giấu đi. Thấy vậy, ông chỉ cười, tiếp sức cho các cháu bằng lời khuyên nửa vời dành cho vợ: “Nên bỏ thuốc đi cho khỏe, bà!”. Bà không bỏ; ông ngó lơ, cũng chẳng lấy làm khó chịu khi lời mình mất giá. Khi bà vào bệnh viện chữa mắt, theo lời khuyên của bác sĩ, bà cai hẳn thuốc lá. Thấy cha quá vui trước việc này, anh thắc mắc: “Sao trước cha không ngăn mẹ hút thuốc?”. Ông nhìn con, vẻ ngạc nhiên: “Lấy quyền gì để ngăn? Cha không ưa thuốc lá nhưng không thể ép mẹ con giống cha được”.

Anh lại về quê để tránh xung khắc vợ chồng leo thang và tạo cơ hội vãn hồi hòa bình cho tổ ấm. Lần này, anh được mẹ giao chăm sóc cha để bà đi Long Khánh thăm con gái. Anh xin cơ quan nghỉ phép để có được nhiều ngày ở bên cha. Những ngày ấy, bữa nào có món ngon ông lại chống đũa nhìn ra sân, giọng buồn xa xăm: “Mẹ con thích món này lắm…”; tiếp đó là khoảng lặng kéo dài. Vắng bà, ông ăn ít hẳn, dù anh cố nấu đúng kiểu của mẹ. Được cái, ông bất ngờ siêng uống thuốc, bởi “trước khi đi, bả dặn quên gì thì quên nhưng đừng quên uống thuốc”. Lắm lúc ông ngồi lặng nơi bậc thềm, nhìn mảnh vườn đầy lá rụng, lẩm bẩm một mình: “ Bả mới đi mấy ngày mà trông cứ như vườn hoang!” Việc đầu tiên mỗi sáng của ông là gỡ lịch trên tường rồi tần ngần lật đếm từng tờ mỏng để tìm ngày về của bà như đã hẹn; có ngày, việc đếm lịch lặp lại hai lần. Ông bảo anh điện nói với mẹ, khi lên xe nhớ ăn uống chừng mực, đề phòng bụng dạ “nổi loạn”; lại dặn, đừng quên uống thuốc chống nôn. Ông hồn nhiên khoe với chòm xóm: “Bà nhà tôi sắp về đấy!”.

Trong khi ông háo hức chờ thì bà đột ngột hoãn ngày về. Biết bà chỉ bị cảm cúm nhưng ông bồn chồn, không yên, liên tục bảo anh gọi điện cho mẹ. Đêm ấy, ông mất ngủ, bóng đèn phòng vệ sinh chốc chốc lại bật sáng. Tờ mờ sáng, anh đã thấy cha ngồi bất động nơi bậc thềm; nét mặt buồn buồn, nhìn mãi về phía con đường đất đỏ dẫn vào làng. Bất chợt ông quay qua phía anh: “ Hôm nay, con về đi, kẻo vợ con mong”. Thấy anh chần chừ, bởi muốn chờ mẹ về vì không thể để cha một mình, ông gạt đi. Đoạn, ông nhìn anh, hỏi thẳng: “ Hình như vợ chồng con có chuyện không vui?”. Anh bối rối: “Dạ…đâu có”. Giọng ông vẫn nhỏ nhẹ: “ Nghe con nói chuyện với vợ qua điện thoại, cha biết”. Im lặng kéo dài. Anh cúi xuống, cố giấu vẻ lúng túng khi bị cha “bắt bài”. Ông tiếp tục với con bằng những lời tâm tình: “Điều cốt yếu trong tình nghĩa vợ chồng là yêu thương, tôn trọng và vị tha thay vì áp đặt ích kỷ, con ạ”. Những lời nhẹ như không ấy bỗng khiến anh trĩu lòng với bao điều chợt đến. Anh ngồi lặng, nghĩ về người thân.

Giờ anh mới ngộ ra, vì sao ông cụ vẫn vui khi bị cho là sợ vợ; anh chạnh lòng, chợt buồn khi nhớ lại những điều đã dành cho vợ. Bỗng dưng, anh mong được về bên chị.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Khi con vắng nhà
15:17, 18/07/2014
Tin ở nơi anh
09:12, 29/06/2014
Kẻ vô hình
10:34, 06/06/2014
Thiên thần của mẹ
15:22, 18/04/2014
Đường ngang
15:27, 11/04/2014
Amí còn yêu chị lắm
08:48, 26/03/2014
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.