Multimedia Đọc Báo in

Sau mưa lấp lánh

15:16, 07/02/2020

(Tiếp theo kỳ trước)*


Hết tiết học mà Quỳnh vẫn ngồi yên lặng ở góc lớp. Đến khi kẻng đánh báo hiệu tới giờ cơm chiều mà không hay biết. Cũng không thấy đói.

- Này cô bé, không đi ăn cơm à?

Nghe tiếng hỏi, Quỳnh giật mình nhìn ra cửa sổ. Một chàng trai có mái tóc xoăn tít. Và nụ cười thì rạng rỡ đến kỳ lạ.

- Năm giờ rưỡi rồi ạ? Mải suy nghĩ nên em không để ý.

- Anh tên Long, cô bé có biết anh không nhỉ? Y Long Byă. Anh học lớp 12A1. Em là H’Quỳnh chứ gì.

- Dạ. Em cũng biết anh. Anh là cán bộ Đoàn trường mà.

Quỳnh thấy bối rối. Nhất là anh Long có vẻ đang đợi Quỳnh cùng về. Cô bé với tay đóng cửa sổ thì Long vội vàng bảo để anh giúp. Thì ra anh đi một vòng các dãy lớp học để kiểm tra các lớp có tắt điện, tắt quạt trước khi về không.

Quỳnh thấy vui vui.

 Vừa vào trường là Quỳnh đã ấn tượng về Y Long. Long hát rất hay. Mỗi lần trường tổ chức chương trình tập trung học sinh, anh Long thường là người điểm danh, bắt nhịp các bài hát sinh hoạt tập thể. Có lẽ anh nhớ tên Quỳnh vì trong lần sinh hoạt tập thể toàn trường, anh cho chơi trò chơi và bắt phạt người phạm lỗi. Quỳnh bị bắt phạt, phải đứng lên sân khấu. Anh đề nghị Quỳnh hát một bài chịu phạt. Quỳnh đứng ngây người thì cả đám đông phía dưới đồng loạt vỗ tay hô to “hát đi, hát đi”, thế là cô bé rơm rớm nước mắt. Thấy thế Y Long hoảng hốt cho Quỳnh về chỗ. Chắc anh biết chỉ chậm một phút nữa là cô bé òa lên khóc chăng?

Quỳnh đi bên cạnh anh về ký túc. Thế nào bọn con gái phòng Quỳnh cũng nhảy cẫng lên cho mà xem. Thật xấu hổ quá.

- Quỳnh có thích tham gia đội thời trang của Đoàn trường không? Anh đang được thầy Tiến phân công tìm thành viên mới nè.

- Nhưng em chưa lên sân khấu bao giờ - Rồi Quỳnh chậm hẳn bước chân, giọng lí nhí:

- Nhưng Quỳnh không lên sân khấu đâu. Nhát lắm mà.

- Điều đó thì anh lạ gì.

Y Long bật cười. Quay sang thấy mặt Quỳnh đỏ ửng thì anh chàng vội vàng nín cười. Sợ nhất là con gái rơm rớm nước mắt. Và cô bé này thì dễ khóc hơn người khác quá chừng.

Quỳnh lắc lắc đầu

- Với lại em thấp có chút xíu, em thấy đội thời trang người nào cũng cao. Em đứng chung với họ, giống xì trum lắm à.

- Ô hay, phải thử sức mình đã chứ - Y Long cười to – Anh ghi tên Quỳnh vào danh sách nhé. Quỳnh rất ăn ánh đèn sân khấu mà. Hôm nọ cô Thảo Hương cũng bảo vậy đó.

Quỳnh ngại quá. Nhưng thôi, cứ thử sức một lần đã. Dù sao Quỳnh cũng muốn được tham gia phong trào Đoàn. Đang miên man suy nghĩ, Y Long đã dừng lại, ra chiều muốn đi trước:

- Anh đi trước đây. Nhớ là phải xuống nhà ăn đúng giờ nhé. Nếu không mọi người trong bàn ăn sẽ phải đợi em, đúng không?

Có lẽ thế, nãy giờ Quỳnh quên mất. Đúng là cán bộ Đoàn. Vừa dễ gần mà cũng rất nghiêm khắc. Vì thế mà khi anh quay đi, Quỳnh đứng như trời trồng vì mắc cỡ.

Quỳnh không biết Đông đang nhìn theo Quỳnh từ ô cửa sổ nhà ăn. Quỳnh cũng không biết đôi mắt Đông sẫm lại từ khi thấy Quỳnh và Y Long đi từ dãy lớp học xuống.

Đông cũng có biết được vì sao Quỳnh ngồi mãi trên lớp học đâu.

Thế sao người ta nói con người có giác quan thứ sáu nhỉ!

***

Tiền cat-xê thừa trang trải tiền phòng, tiền ăn. Phong gửi tiền về cho mí bằng đường bưu điện. Thời gian. Lịch diễn. Những cuộc phỏng vấn. Đàn bà thành phố lên lịch cụ thể bằng sự khôn khéo khác người.  Điện thoại. Tin nhắn. Vai trần.

- Em sẽ giúp Phong trở thành ca sĩ.

Ánh mắt miên man, dữ dội như bốc lửa ngùn ngụt. Phong ngại ngần cuối gằm mặt xuống bàn, lâu lắm không dám ngẩng lên nhìn. Người đàn bà trước mặt có lẽ gần bằng tuổi mẹ Phong nhưng tiếng “em” phát ra không ngượng ngịu chút nào.

Bọn bạn trong phòng trà đã khuyến cáo hôm nào đó:

- Bạn bà chủ mê mệt mày rồi Phong ạ. Có mà chạy đằng trời.

Phong cười cười. Mặc kệ. Phong không quan tâm. Những công việc tạm bợ nối nhau cho Phong một cuộc sống tạm ổn. Những cuộc gặp gỡ cuối tuần ở căn phòng cuối cùng của con hẻm sâu với Dung cho Phong cảm giác dịu dàng về một gia đình trẻ.

Ngày gần đây Phong sẽ lấy vợ.

Dung sẽ không làm thư ký cho gã đầu hói bụng phệ nữa. Hai đứa thuê căn phòng nho nhỏ, làm mâm cơm ra mắt bạn bè. Mà có thể rời Sài Gòn về Đắk Lắk…

Vậy mà bây giờ Phong ngồi trước mặt người đàn bà lạ. Trong quán cà phê lạ. Cuộc gặp gỡ hôm nay vì Phong không làm sao khác được. Gia đình Phong cần tiền để duy trì sau sự thất bại thảm hại vì huê hụi của mẹ.

 Bàn tay mềm ướt rượt siết chặt những ngón thon dài của Phong ở góc tối quán cà phê. Bữa ăn ở phòng vip nhà hàng chỉ có hai người. Phong gượng gạo. Người đàn bà hả hê sung sướng đút cho Phong như hàng ngàn cặp tình nhân trên đời. Rượu mạnh. Một ly cho em vui. Đừng lo gì hết. Không có gì mà em không làm được. Hai ly. Uống đi Phong. Chuyện của anh em sẽ lo hết.

Cơn ngủ mê trong khách sạn không cho Phong sự chọn lựa nào khác.

***

Đông không muốn Quỳnh đến công ty quảng cáo nữa. Nhưng không được. Quỳnh cần việc làm. Không thể trả tiền nhà, tiền gạo, tiền điện, tiền nước bằng cái nhìn thông cảm được.

Sếp đón Quỳnh bằng vẻ mặt ân cần. Phòng làm việc chỉ hai người. Tường cách âm, cửa gỗ. Sếp đặt tay lên vai Quỳnh tha thiết.

- Anh hài lòng về Quỳnh một nửa.

- Dạ vì sao ạ?

Quỳnh đứng dậy, hơi nép về chỗ khác với vẻ mặt bối rối. Sợ hãi. Cuống quít.

- Quỳnh thông minh, ứng xử khéo léo. Anh hài lòng. Nhưng với sếp mình, sao Quỳnh giữ khoảng cách thế à?

Tiếng à kéo dài, mang theo ánh mắt đong đong đưa đưa làm Quỳnh ớn lạnh. Hèn gì khi thấy Quỳnh đến nhận việc, người trong công ty có kiểu nhìn rất lạ.

(Còn nữa)

 Truyện dài của Niê Thanh Mai

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.