Multimedia Đọc Báo in

Sau mưa lấp lánh (kỳ tiếp theo)

10:09, 14/02/2020

(Tiếp theo kỳ trước)*

* Những thứ bảy dịu dàng với người này và ngập tràn bâng khuâng với người khác có phải là sự bất công?

Hôm nay là thứ bảy.

Học xong tiết 2 buổi sáng, cả trường rộn ràng. Tuần này được về nhà. Đứa nào cũng hớn hở. Có đứa đã chuẩn bị xong mọi thứ từ tối hôm qua. Chỉ chờ trống đánh tan học là chạy đua ra bến xe buýt.

Duyn cũng xếp mấy cuốn vở vào ba lô. Quỳnh vừa xếp quần áo vừa cười:

- Lâu lắm rồi mình mới thấy Duyn về thăm nhà. Chắc nhớ ba mẹ lắm rồi đúng không?

Duyn lắc đầu:

- Mình về thăm bà ngoại thôi. Ba mẹ ai cũng có gia đình riêng của mỗi người rồi nên mình không đến thăm họ đâu.

Giọng Duyn nghe nặng trĩu. Mấy đứa trong phòng cũng lặng ngắt. Sống với Duyn lâu rồi mà chẳng đứa nào biết về chuyện nhà Duyn. Lúc nào cô bé cũng cặm cụi một mình. Chẳng nói chuyện với ai, cũng chẳng tâm sự chuyện riêng cho đứa nào biết.

Đứa nào cũng thấy ái ngại.

Quỳnh thì thầm:

- Mình không biết chuyện của Duyn. Vậy là sau này khi mình về nhà mình, mình có thể rủ Duyn về nhà mình chơi cũng được phải không? Mình cũng muốn thăm bà ngoại Duyn nữa.

- Tui nữa.

- Mình cũng vậy được không?

Mấy đứa trong phòng nhao nhao lên. An nhìn Quỳnh, ánh nhìn trìu mến. Sao bữa nay Quỳnh thông minh quá, biết nói những điều mà không đứa nào nghĩ ra.

Bà đón Quỳnh ở chân cầu thang. Cái dáng còng còng của bà nhìn từ xa là không lẫn đi đâu được. Quỳnh chạy quáng ôm chầm lấy bà. Ríu rít:

- A duôn ơi. Con nhớ A duôn quá đi mất.

- Dà, cháu gầy đi hả H’Quynh.

- Gầy ít ít thôi duôn ơi. Cháu là H’Quỳnh mà duôn cứ gọi cháu là H’Quynh không hà.

“Duôn nói mất dấu từ xưa tới giờ mà vẫn trách duôn à? Con bé này hư quá đi”. Mí đứng trên nhà tự bao giờ, trách yêu Quỳnh bằng giọng nhẹ nhàng. Quỳnh ngẩng lên thấy mí thì nhảy ba bước lên cầu thang. Mí ơi, mí nhớ con không? Con chỉ trêu bà thôi mà. Nhà mình đi đâu hết rồi hả mí? Phu đi học về chưa mí?...

 Quỳnh luyến thoắng, hỏi nhanh đến nỗi mí không kịp trả lời. Mà mí cũng không vội trả lời, cứ cười suốt thôi. Lần nào về thăm nhà cũng thế. Quỳnh giống như đi xa lắm, lâu lắm mới về vậy.

Cả nhà ngồi quanh mâm cơm. Nhưng hình như chẳng ai buồn ăn mà cứ ngẩn người nghe Quỳnh kể chuyện. Cả dòng họ Niê ở buôn Thinh chỉ có mỗi Quỳnh được đi học trường Dân tộc nội trú trên tỉnh. Đi học có học bổng, Nhà nước nuôi, chẳng phải đóng đồng tiền nào. Mà về nhà mỗi lúc lại thấy lớn, thấy trắng hồng, xinh xắn ra. Cả nhà tự hào về Quỳnh lắm.

- Mí à, mai mí nấu cà đắng nhé. Con nhớ cà đắng mí nấu quá chừng.

- Ở trường nhà bếp không nấu cà đắng hả con?

- Dạ có. Nhưng cà đắng trường nấu cứ ngọt ngọt chứ không đắng, không cay như mí nấu đâu.

Mí gật gù:

- Đúng rồi, đâu phải ai cũng ăn cay ăn đắng như đồng bào Êđê mình.

Thì ra là thế. Vậy mà Quỳnh và mấy đứa cùng lớp đâu có nghĩ ra điều đó. Ăn không thấy ngon miệng là chê thôi. Quên mất là bếp ăn tập thể nấu cho hơn 500 học sinh.

Nhưng không sao. Mỗi lần về nhà, Quỳnh ưng ăn món gì mí làm cho ngay. Có hôm mí còn đóng vào hộp cho Quỳnh mang lên trường ăn với cả phòng. Món nào mí nấu bọn bạn Quỳnh cũng thích, nhất là món đọt mây xào. Đắng đắng nhẫn nhẫn. Lần nào Quỳnh về cũng dặn đi dặn lại bảo nhớ vòi mí làm để mang lên nhé.

Nhưng thích nhất là về nhà được ngủ chung với mí. Cảm nhận bàn tay ram ráp, nhồn nhột của mí gãi gãi đầu. Mí mân mê tóc Quỳnh và thì thầm kể chuyện nhà. Chuyện chị hai lấy chồng người Kinh bên thị trấn Ea Kar cứ giận nhau lại chạy về mách mí. Chưa kịp lên cầu thang đã bị mí và a duôn đuổi về, con gái lấy chồng là không còn làm phiền lòng người nhà nữa. Rồi chuyện thằng cu Phu đi bắt cua bị cua kẹp chim tháng trước, nó dặn đi dặn lại là đừng méc với Quỳnh vì sợ bị trêu. Rồi mí dặn dò đủ chuyện: chuyện học hành, chuyện bạn bè, chuyện lễ phép với thầy cô… Mí dặn nhiều quá, nhiều đến mức Quỳnh ngủ từ lúc nào giữa lời dặn dò đều đều của mí.

A duôn của Duyn có dặn dò cả đêm như mí của Quỳnh không? Duyn có nũng nịu vùi vào nách mí ngủ như Quỳnh không? Quỳnh thấy thương cho Duyn quá.

Để hôm nào đó Quỳnh sẽ đưa Duyn về nhà mình. Chắc Duyn sẽ thích. Quỳnh nghĩ thế.

***

 Ngày đầu tiên đi làm.

Quỳnh được xếp ngồi cùng văn phòng với sếp. Căn phòng kín kẽ và riêng biệt. Tường cách âm, cửa gỗ. Chị kế toán chỉ chỗ ngồi cho Quỳnh, khuôn mặt ẩn hiện nụ cười: “Ráng làm Quỳnh nhé. Sếp có sở thích đổi thư ký lắm đấy. Chỉ được cái là lương cao, công việc lại nhàn nên ai cũng thích cái ghế này của em”.

Giá như có thể, Quỳnh sẽ trợn mắt để chứng minh rằng chị ta nhầm. Năng lực của Quỳnh thừa sức làm những việc văn phòng đơn giản này. Chỉ có điều, khi Quỳnh đang ngơ ngác thì chị ta đã khuất sau cánh cửa gỗ nặng trịch.

Quỳnh đọc hết mấy tờ báo trên bàn thì cũng là lúc hết giờ làm việc. Thấy Quỳnh dợm đứng lên xách túi đi về, Sếp bảo đi cùng tiếp đối tác. Nhưng sếp không muốn Quỳnh mặc đồng phục công ty. Váy ngắn hơn chút nữa. Trang điểm sắc sảo hơn chút nữa. Sếp chở Quỳnh đi đến cửa hàng quần áo bằng xe ô tô bóng lộn.

Tóc uốn. Mi vuốt mascara cong vút. Váy lụa xanh mướt. Giày lấp lánh ánh cườm cao ngất. Người trang điểm cho Quỳnh cũng ngạc nhiên đến ngơ ngác. Sếp sững sờ lúc Quỳnh kéo rèm bước ra bối rối. Đôi mắt hấp háy. Quỳnh thoáng rùng mình khi khuôn mặt bóng loáng ấy ghé sát mặt thầm thì: “Quỳnh đẹp hơn anh tưởng”.

Cuộc gặp gỡ trong phòng Vip của khách sạn nằm bên sông. Đối tác của công ty bụng phệ, bàn tay ướt rượt và mắt nhìn xoáy vào phía dưới cổ áo Quỳnh. Nụ cười mơn trớn:

- Trợ lý của anh đẹp quá.  Định dùng chiêu bài mỹ nhân kế phải không ông anh?

Sếp Quỳnh cười sằng sặc.

Quỳnh được xếp ngồi bên cạnh bụng phệ. Thức ăn được bưng ra liên tiếp. Những món ăn vừa tây vừa tàu bày đầy bàn làm Quỳnh nhờn nhợn. Nhưng có lẽ không phải vì mùi thức ăn mà tại vì phía dưới gầm bàn, bàn tay ướt rượt của bụng phệ cứ miết xuống đùi Quỳnh. Ớn lạnh buốt lên tóc. Cảm giác buồn nôn xộc vào mũi.

Căn phòng máy lạnh êm ru. Cửa kính. Ánh đèn vàng dịu dàng. Nhưng mọi thứ ngột ngạt. Không biết có phải phía ngoài cửa kính sáng loáng trời đột ngột đổ mưa.

***

(Còn nữa)

 Truyện dài của Niê Thanh Mai

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.