Multimedia Đọc Báo in

Nhớ ánh chiều vàng

06:17, 23/09/2017

Những buổi chiều tự thân nó đã luôn gợi lên cho con người một nỗi buồn miên man. Những tâm sự chất ngất đôi khi cũng chỉ bật dậy trong một buổi chiều tà.

Với những người xa quê, mỗi khi nắng chiều dần tắt, lòng lại cảm thấy nhung nhớ biết bao một miền quê nhỏ, nơi có hàng dừa nghiêng bóng, có con sông, bến đò, giếng nước và những buổi chiều tà, nắng vàng chia nửa bãi sông.

Có gì buồn hơn một buổi chiều, nắng quết một vạt mỏng trên đường phố, những bước chân xôn xao về với tổ ấm, chỉ có những kẻ xa quê, bước chân vô định giữa biết bao cảm xúc. Những kẻ xa quê dù ở đâu bao giờ cũng mang trong mình một góc nhỏ của quê hương để nương náu và tựa vào, đó là nơi gắn liền với những ký ức thân thương mà mỗi người vẫn luôn cất giữ.

Ngày nhỏ, ký ức tuổi thơ là những buổi chiều chạy nhảy bên bờ sông, chơi đùa reo hò  cùng chúng bạn; là những chiều cùng ba chèo thuyền bủa lưới trên sông, ngắm nhìn những rặng tre già đung đưa trong gió; là những chiều tung tăng cùng em, tay trong tay đi ngắm mặt trời. Mặt trời của buổi chiều nhìn từ bến sông bao giờ cũng to tròn và rực rỡ. Đặc biệt, thứ ánh sáng ấy như dát vàng cả mặt sông khiến những đứa trẻ mê đắm, chúng chân sáo nhảy nhót hát ca giữa sắc vàng của buổi chiều cho đến khi mặt trời lặn dưới chân núi, chỉ còn lại những vệt sáng yếu ớt, đám trẻ mới trở về nhà.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Nhớ về một buổi chiều quê là nhớ về căn bếp nhỏ, nhớ về mùi khói bếp thơm nồng. Căn bếp ở quê tuy đơn sơ, thiếu thốn mà thân thương lắm. Đó là nơi mỗi tối mẹ trở về xắn tay áo thổi lửa nấu cơm, là nơi đám trẻ dù ham chơi đến đâu, mỗi khi về nhà đều chạy vào bếp. Đó là nơi có âm thanh của nồi cơm sùng sục sôi trên than củi, có ánh mắt chờ đợi của đám trẻ, có nụ cười ấm áp của ba, có ánh nhìn thân thương của mẹ. Đó là nơi có những bữa cơm gia đình ấm áp, là nơi khởi nguồn của yêu thương.

Mỗi lần thả bước trong một buổi chiều nhạt nắng, tôi luôn nhớ về mẹ, nhớ bóng dáng mẹ lầm lũi trở về nhà trong nắng chiều vàng vọt yếu ớt. Trong ký ức của tôi, hình ảnh của mẹ luôn gắn liền với những buổi chiều như vậy - những buổi chiều khiến tôi cảm nhận rất rõ sự mệt mỏi. Tôi thương quê mình như thương những người phụ nữ như mẹ, thương sự tảo tần chịu thương chịu khó, thương cách mẹ vun vén chăm lo cho tổ ấm của mình.

Tôi thường có cảm giác  mình nhỏ nhoi lắm khi đứng giữa một buổi chiều. Cảm giác ấy hệt như cảm giác mình đã không còn trẻ nữa. Bao nhiêu sân si hay hơn thua của một thời tuổi trẻ giờ cũng đã không còn. Sau một ngày tất bật, những mệt mỏi chợt khép lại sau cánh cổng cơ quan, con người ta chỉ muốn về với tổ ấm để tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Có người nói rằng, phải sống những buổi chiều ở một nơi xa mới thẩm thấu hết nỗi buồn của những kẻ xa nhà. Đúng vậy, liệu có ai xa quê, đi giữa một buổi chiều tà mà không đôi lần mong ước được gặp kẻ cùng quê chỉ để chia sẻ niềm nhớ về mỗi buổi chiều nắng lấp lánh rơi trên bến sông nghe con nước êm đềm trôi chảy, chia sẻ nỗi thèm khát mùi khói bếp thơm nồng, chia sẻ niềm ước ao về bữa cơm gia đình ấm áp?

Tôi xa quê đã lâu nên những buổi chiều cứ mãi là một nỗi buồn. Với những người xa quê, dường như tất cả những mong ước trong cuộc đời bình dị lắm. Đó là niềm mong ước về một mái nhà, một tổ ấm, một nơi để trở về sau một ngày làm việc, để những buổi chiều tà, trái tim của những kẻ xa nhà không còn rung lên, đôi mắt không còn ao ước khi nhìn thấy từ mái nhà ai cái không khí ấm áp gia đình, đôi chân bớt thiết tha hướng về tổ ấm thân thương quê nhà, nơi có mùi khói bếp tỏa hương thơm nồng, có bữa cơm gia đình đông vui, đầm ấm; để khung cảnh một buổi chiều như hôm nay chỉ nhẹ nhàng là một niềm nhớ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người.

Trần Nguyên Hạnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thu vàng hoa cúc
15:19, 16/09/2017
Thương lắm chợ quê!
06:18, 10/09/2017
Cánh diều tuổi thơ
06:17, 10/09/2017
Nồng nàn hương cỏ...
05:36, 04/09/2017
Mùa khế đơm hoa
08:02, 30/08/2017
Tháng tám trong veo…
15:01, 26/08/2017
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.