Multimedia Đọc Báo in

Dòng sông thơ ấu

07:17, 15/04/2018

Tôi ước bây giờ được ngồi hàng giờ ngoài bãi sông trước nhà, đong đưa đôi chân vờn làn nước sông mát lành, được nằm ngửa mặt lên trời ngắm mây bay gió lượn, xa xa chập chờn mấy cánh diều lửng lơ bay trên nền trời xanh biếc.

Bãi quê bao mùa vẫn thế!

Mùa nước lớn, má tôi thường ra bãi sông vớt lục bình về nhặt lấy ngó nấu canh, bông thì chấm mắm kho. Nhớ làm sao cái vị ngọt tận ruột gan của nồi canh ngó lục bình nghi ngút khói bên chái bếp. Hồi nhỏ, mỗi lần ông nội thả lưới được con cá to, tôi đều nũng nịu đòi má nấu nồi canh cá ngó lục bình. Gặp tháng mưa hay mùa nước nổi mới có lục bình mà nấu. Có hôm vào tháng nắng mà tôi cứ một mực đòi ăn canh lục bình, chẳng tìm ra lục bình má lẳng lặng thay bằng nồi canh chua cá lóc. Bữa cơm hôm ấy má phải dỗ mãi tôi mới chịu ăn. Bây giờ nhớ lại thấy thương má biết nhường nào, cả đời má vất vả vì gia đình, con cái, má có được gì đâu ngoài cái nón lá đội đi nắng đi mưa bao mùa rách tươm và chiếc áo mặc trên mình vá chằng vá đụp…

Ngày đó, khi nghe ngoài bãi sông có tiếng trẻ con vui đùa,  nuốt vội mấy hột cơm trong miệng, để chén bát xuống mâm, tôi chạy nhanh ra ngoài bãi sông nhập bọn với lũ trẻ con trong làng. Mùa này nước ròng, bãi sông nhô lên thành một mỏm đất cao. Chúng tôi thường chơi bắn bi, bọn con gái thì chơi quay dây, đồ hàng. Bãi sông về chiều rộn ràng hẳn lên với tiếng cười con trẻ, tiếng nói, tiếng cãi nhau khi tranh hòn bi hay viên kẹo sữa. Chán chơi trò trên bờ, chúng tôi cởi trần nhảy ùm xuống sông quẫy nước đùng đùng. Nhà ông Thiên có cây mít tố nữ, đến mùa quả sai lúc lỉu, đu nhau khắp thân cây. Quả mít tố nữ không to, nhưng múi rất nhiều, ngọt và thơm khắp từ ngoài bãi sông đến cuối làng. Hồi xưa nghèo, nhìn mấy quả mít chín vàng óng, thơm lừng là không thể nào nhịn được cơn thèm, chúng tôi bàn nhau đi trộm mít nhà ông Thiên. Tôi “phân công” thằng Hoàng giữ dưới gốc canh chủ nhà với con Mực dữ dằn, con Hà đứng nhặt mít bỏ vào túi, còn tôi và thằng Nam thì leo lên trên ngọn cây, trên đó nhiều quả chín. Mới hái được hai quả, tiếng mít rơi “bịch bịch” dưới đất động tai con Mực nhà ông Thiên. Nghe tiếng con Mực vừa chạy vừa sủa, bốn đứa chúng tôi cũng nháo nhào chạy mất dép, băng qua hàng rào bằng cây dây mơ dây muống bò chằng chịt. Vậy mà con Hà tham ăn vẫn lén xách về một quả mít chín, mềm và thoang thoảng mùi hương. Bọn tôi tách mít chia nhau. Chiều hôm đó, cả bốn đứa đều bị đòn, người lớn hỏi ra mới biết trong bốn đứa, tôi là “kẻ chủ mưu” chuyện trộm mít. Má đánh tôi mấy roi nhớ đời, còn bắt tôi sang nhà xin lỗi ông Thiên và hứa hẹn sẽ không bao giờ ăn trộm bất cứ thứ gì của ai nữa…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tôi không khóc. Làm thì chịu, “con trai mà!”.

Từ đó, ngót hai mươi năm tôi không bao giờ dám ăn trộm vật gì của người khác. Đòn roi đau thật, nhưng nó góp phần làm nên tôi của ngày hôm nay, dẫu thầm lặng nhưng vẫn là một con người có ích cho cuộc đời, mang vào hồn người bao dấu yêu của một thời thơ ngây vụng dại…

Hồi tôi còn nhỏ, má bảo “Mai này lớn lên, ra thành phố mà học để sau này nuôi thân, nuôi má…”. Mới đó mà đã mấy mươi năm trôi qua, bây giờ tôi đã được ở thành phố - cái nơi mà tôi hằng ước ao, mơ mộng lúc còn ở quê nhà, cái nơi mà tôi cứ tưởng tượng người, xe tấp nập, hàng quán dập dìu. Dấn thân vào nhịp sống thị thành, nhiều lúc mệt mỏi, tôi lại muốn trở về quê xưa, trở về bãi sông ngày nào, trở về với trò chơi con trẻ. Tôi thèm những buổi tắm sông, thèm những que kem, viên kẹo chia nhau mỗi đứa một phần bé xíu vậy mà ngon không thể tả. Tôi nhớ nồi canh ngó lục bình của má ngày xưa vẫn nghi ngút tỏa khói trong chái bếp in dáng má giờ đã còng lưng tóc đẫm sương mai.

Thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng những ký ức về quê nhà, về bãi sông thân thương có con nước êm đềm khi ròng, khi lớn chảy qua làng quê nghèo yên bình mái lá nhà tranh, có con đò của chị tôi tận tụy trên dòng sông đưa người đi về những miền đất lạ, để rồi khi quay về thì tất cả chỉ còn trong khoảng vắng mờ xa. Và nơi đó có tuổi thơ tôi chân trần gửi lại, có dấu vết thời gian không thể nào phai nhạt dù cuộc đời có thiên biến vô thường…

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.