Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn dã quỳ!

08:36, 19/01/2019

Một sớm mai thức dậy, thấy trời se lạnh mới biết mùa khô Tây Nguyên đã về. Chợt nhớ ngày mới ra trường vào Buôn Ma Thuột, lần đầu tiên được ngắm hoa dã quỳ, loài hoa bản địa của Trung Mỹ được người Pháp đưa vào trồng ở các đồn điền cao su và cà phê của thế kỷ trước.

Hồi đó, những năm đầu của thập niên chín mươi, nhà cửa hai bên đường Phan Chu Trinh của thị xã Buôn Ma Thuột ngày ấy còn thưa thớt. Cứ mỗi mùa khô về, dã quỳ lại vàng rực từng đám dưới ánh nắng mặt trời như đang bẽn lẽn đứng chờ ai. Cũng một màu vàng nhưng dã quỳ không cứng cáp như hoa champa của Lào, không lãng mạn như hoa giáng hương mắt chim của Myanmar, không kiêu sa như muồng hoàng yến của Thái Lan mà dã quỳ là loài hoa mộc mạc của nắng gió đại ngàn không ai chăm trồng vun xới, chỉ biết rằng vào buổi chiều kia trên đường đi làm về bất chợt bắt gặp cả một sắc hoa vàng lên trong nắng. Hoa có giận ai, có buồn vì ai, có trách móc ai mà im lặng ngủ suốt trong sáu tháng mùa mưa rồi cũng nghĩ lại, thức dậy nở đầy vị tha và bao dung khi mùa khô cao nguyên về. Hoa đã đem ánh vàng tươi trên từng cánh mỏng đến cho từng con đường, góc phố nhỏ, trên bờ dậu nhà ai, mang đến một chút ấm áp khi những cơn gió mùa khô về thấm lạnh lòng người.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Trong tâm khảm của người Buôn Ma Thuột, dã quỳ là một người bạn tri âm, tri kỷ, cứ mỗi mùa lạnh về lại mặc chiếc áo màu vàng rực rỡ “ghé thăm” phố núi cao nguyên. Những đám hoa e ấp, hoang dã ở bên đường đem cho ta niềm vui bình dị, an ủi vỗ về ta những phút giây muộn phiền vô cớ. Hoa và người đã đồng hành với nhau qua bao mùa gió lạnh.

Thế rồi, trên những năm tháng mải miết với những lo toan, vướng bận của cuộc đời, bất chợt một ngày mùa khô dừng chân trên con đường nhỏ của thành phố mới biết rằng dã quỳ đã chia xa không một lời từ biệt. Nơi đây, mới năm nào, cứ mỗi mùa khô về dã quỳ lại đua nhau cười đua ngả nghiêng trong gió giờ đã nhường chỗ lại cho những ngôi nhà cao tầng mái Thái mọc lên. Dã quỳ hai bên đường của thành phố bây giờ chỉ còn trong kỷ niệm.

Đôi lúc trên đường đi công tác ngang qua vùng ngoại ô, nhìn những đám dã quỳ vàng đằm thắm trong ánh chiều tà, ký ức tháng ngày xưa cũ lại ùa về xao xuyến trong tim. Ừ! Mới đó mà cũng đã tròn ba mươi năm gắn bó với mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió này. Ngày tháng trôi qua, người mới gặp đã thành người cũ, chuyện hôm nào đã thành chuyện xưa, những con đường vắng, tối om của thị xã năm nào bây giờ thành phố xá sầm uất đầy những dòng xe cộ xuôi ngược trên đường. Chỉ có dã quỳ, dù không còn chỗ đứng trong lòng thành phố vẫn cứ khoe sắc vàng rạng rỡ bên những con đường ở ngoại ô hay trên những nẻo đường vùng xa. Phải chăng dã quỳ đã cho ta bài học triết lý là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vẫn phải sống tận hiến đến hết mình, bởi vì mỗi con người chỉ có một cuộc đời duy nhất mà thôi!

Mai Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.