Multimedia Đọc Báo in

Một thuở chăn trâu

09:09, 17/11/2019

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ở bên gia đình vào những buổi chiều yên bình như thế này. Đứa cháu đang làm con trâu bằng lá mít, hai đứa con tôi dán mắt vào xem hứng thú vô cùng. Những đứa trẻ thành thị dường như cảm thấy lạ lẫm với hình ảnh con trâu nơi cánh đồng quê hương mà ông bà, cha mẹ chúng đã lớn lên...

Còn nhớ thuở nhỏ chúng tôi một buổi đi học, còn một buổi dắt trâu đi ăn ở đồng xa. Người dân quê tôi chủ yếu sống bằng nghề nông, ruộng đồng bạt ngàn cò bay thẳng cánh. Ngày xưa chưa có máy cày, máy kéo hiện đại như bây giờ, người nông dân chủ yếu sử dụng sức trâu để kéo cày. Bởi thế, hình ảnh quen thuộc về người nông dân là con trâu đi trước cái cày theo sau. Con trâu hiền lành, siêng năng đã giúp ích cho nhà nông rất nhiều từ khâu làm đất, kéo cày, chở lúa về nhà.

 Ai đã từng chăn trâu mới hiểu được hết sự tự do vui đùa riêng một cõi. Ngồi trên lưng trâu ung dung rong ruổi khắp cánh đồng. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thèm được ngồi lên lưng trâu.

     Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Việc chăn trâu chẳng cực khổ gì nhiều. Sáng dắt trâu ra các bờ ruộng, chiều lùa trâu về chuồng. Mùa hè là khoảng thời gian vui vẻ nhất của lũ trẻ chúng tôi. Cánh đồng đã được gặt xong, những khoảnh ruộng rộng rãi cho trâu tha hồ ăn còn chúng tôi thì chơi thỏa thích. Mấy đứa trẻ chia nhau đứa trông chừng trâu, đứa đi dọc các bờ mương, tát nước bắt cá. Lửa rơm nổi lên, mùi cá nướng thơm phức thoảng theo gió kích thích dạ dày. Mặt trời chưa lên đỉnh đầu nhưng chúng tôi đã có được món cá nướng ấm lòng để lấy sức chăn trâu.

Quên sao được những buổi chiều vừa cho trâu ăn cỏ, vừa thả diều giấy giữa trời lộng gió. Đồng khô, ruộng cạn sau mùa gặt lại rộn rã tiếng cười. Nếu những con diều được nối với gió bằng những sợi dây thì trẻ con chúng tôi nối với bầu trời bằng cánh diều và cả ước mơ trong trẻo.

Sau một buổi chiều lăn lộn rong ruổi khắp cánh đồng, bọn trẻ chăn trâu tự thưởng cho mình một bữa tắm sông thỏa thích, những mái đầu khét nắng được gội sạch bởi làn nước mát trong, trâu cũng được dắt xuống tắm sạch sau khi lăn lộn với bùn đất. Những đứa trẻ chăn trâu vẫn luôn ham học nhìn thấy mà thương. Tranh thủ lúc trâu ăn, những đứa trẻ nơi miền quê khốn khó lại mang sách vở theo ôn bài. Vừa học vừa canh trâu khỏi đi lạc, ăn lúa của người ta. Con chữ được gieo trên lưng trâu quý giá vô cùng.

Đối với gia đình thuần nông thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Con trâu được yêu thương như người bạn thân thiết. Gia đình tôi chăm sóc trâu rất kỹ, đốt rơm xua đuổi muỗi, ruồi nhặng. Trâu đã quen với tiếng cười reo vui đùa của những đứa trẻ mục đồng.

Ngày nay cơ giới hóa đã thay thế sức kéo của trâu trên ruộng đồng. Những con “trâu sắt” nhả khói giúp công việc đồng áng đỡ vất vả rất nhiều. Những chú trâu chỉ còn ở những vùng sâu, quê tôi cũng còn vài con mà thôi và mục đồng là những đứa trẻ dần lớn lên mà vẫn nhớ hoài những năm tháng rong ruổi cùng trâu.

Những dịp về quê, tôi lại dắt các con đi bộ trên con đê của làng cho các con tận hưởng không khí mát rượi của cánh đồng. Thỉnh thoảng con hét lên sung sướng vì nhìn thấy con trâu ở đời thực chứ không phải trong câu chuyện mẹ kể. Cánh diều vẫn được thả trên bầu trời trong xanh, thanh bình. Hạnh phúc khi nhìn thấy mình của ngày xưa qua hình ảnh chú trâu thong thả trên bờ ruộng.

Nhớ một thuở… nhớ ngày xưa… “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”…

Phạm Thị Mỹ Liên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Khi nhà mất điện
09:31, 03/11/2019
Lũ về...
14:49, 28/10/2019
Bóng hình của mẹ
08:57, 20/10/2019
Mưa đêm...
08:29, 13/10/2019
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.