Multimedia Đọc Báo in

Ngày xưa, ta chỉ thèm ăn bánh mì

18:40, 18/04/2020
Khi là đứa trẻ mười tuổi, tôi nghĩ bánh mì là món ngon nhất trên đời!

Chiều nào cũng thế, tầm khoảng 4 giờ chiều, khi nắng còn rất gắt trên đầu ngọn cây thì bọn trẻ con trong xóm đã réo nhau chạy ra ngoài đường, chơi đủ trò mặc kệ mồ hôi nhễ nhại.

Đó cũng là khi ông già đạp chiếc xe đạp đòn dong cũ mèm, chở theo một cái sọt tre đậy kín bưng bởi tấm bao xi măng mà đứa nào cũng biết mười mươi là trong đó đựng những ổ bánh mì vàng ươm, giòn rụm, thơm phức.

Nhà đứa nào cũng nghèo. Bánh mì quả là thứ quà ăn giữa buổi xa xỉ. Nhà tôi cũng vậy. Năm thì mười họa, má tôi mới đứng trước cổng ngoắc ông bán bánh mì giữa tiếng reo hò khản cổ của ba chị em và sự thèm thuồng của tụi trẻ con trong xóm. Má mua một cái bánh mì, đưa cho tôi bảo chia cho các em. Đo tới đo lui, cuối cùng tôi cũng chia cái bánh mì làm ba phần. Cái bánh mì thơm phức, hấp dẫn đến mức đứa nào cũng ăn nhín nhín, chậm thật chậm vì sợ ăn hết trước trong khi chị với em vẫn còn mà nhem thèm. Thậm chí, tôi nghĩ mình có thể ăn một lúc một chục cái bánh mì nóng giòn mà không thấy ngán.

Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Việc được mua bánh mì (cho dù mỗi đứa chỉ được một phần ba cái bánh) tuỳ thuộc hoàn toàn vào cái túi vuông trên áo bà ba của má tôi. Má tuyệt nhiên không bao giờ chiều theo sự kèo nài hay xin xỏ của bầy con lúc nào cũng chực ăn quà. Một ngày, má bảo “Mấy đứa xúm vô lặt vỏ củ hành đi, mỗi ký má trả tiền cho mà mua bánh mì. Đó, muốn ăn thì lăn vào bếp”. Lặt hành là một việc vô cùng gian khổ. Má với mấy cô trong xóm kiếm tiền thêm bằng việc nhận lặt vỏ hành cho bà Sáu xóm bên. Tức là củ hành vốn nhăn quéo, cũ kỹ sau khi lột sẽ trở thành bóng láng, tím rịm. Người ta đem về bào mỏng rồi phi với dầu ăn làm hành phi. Lặt được một ký vỏ hành sẽ được má trả cho 300 đồng. Đúng bằng giá má nhận lặt cho bà Sáu.

Chừng đó mới chỉ đủ một phần hai ổ bánh mì.

Nhưng đây là việc duy nhất có thể kiếm tiền của mấy chị em. Mà thậm chí bọn trẻ con trong xóm cũng xúm vô làm rất nhiệt tình.

Trưa nào cũng vậy, hễ ăn cơm trưa xong là đám trẻ con lại xúm nhau ra ngoài hiên nhà hăm hở lặt vỏ hành. Mặc kệ hành hăng sực mùi làm nước mắt nước mũi đứa nào cũng chảy giàn giụa. Tầm bốn giờ chiều, đứa nào cũng xúm vô cái cân để chờ được trả công. Má rất sòng phẳng, cộng cộng trừ trừ rồi trả tiền cho từng đứa. Thậm chí có đứa được 400 đồng, má cho luôn 500 đồng bảo khỏi thối lại.

Ngày đầu tiên khi vừa nhận được tiền công lặt hành cũng là lúc ông bán bánh mì đạp xe cọc lọc đi ngang qua, cả đám con nít tuôn ào ra cổng, rối rít gọi, giành nhau ầm ĩ mua bánh mì. Lúc cầm trên tay cái bánh mì nóng hổi, chưa bao giờ tôi thấy mình vĩ đại như thế.

Thì ra, việc kiếm tiền thật không dễ dàng. Đứa nào cũng nhận ra điều đó sau chừng ba hôm cặm cụi lặt hành từ trưa đến chiều, người đứa nào đứa nấy sực nức mùi hành, đến nỗi khi tắm xong vẫn nghe mùi hành. Số tiền kiếm được vẫn chỉ mua được ổ bánh mì chứ không hơn. Đám trẻ con bắt đầu thấy tiếc, có đứa nhận tiền công lặt hành xong cất luôn vào túi quần chứ không mua bánh mì nữa. Tôi cũng vậy. Tiền lặt vỏ hành tôi dồn lại mua vở, mua thước kẻ, tẩy. Có đứa trẻ con xóm tôi dồn tiền công lặt hành mang về cho mẹ mua gạo. Mẹ nó mua gạo nấu được hai bữa thì cũng tham gia vào đội quân lặt vỏ hành của má tôi luôn.

Mấy chục năm rồi, con gái tôi đã bằng tuổi của tôi những ngày xưa, mỗi khi chở con đi học về, ngang qua xe bán bánh mì, lúc nào tôi cũng quay sang hỏi “Ăn bánh mì không con?”. Con nhỏ càm ràm: “Thôi mẹ ơi, lúc nào mẹ cũng rủ con ăn bánh mì hoài. Con chỉ thích ăn pizza thôi à”. Định là kể cho con bé nghe câu chuyện về cái bánh mì mơ ước của cả tuổi thơ ngày xưa. Nhưng rồi lại thôi.

Mà biết đâu, có dịp nào đó, tôi sẽ kể cho con gái. Ngày xưa, mình thèm ăn cái bánh mì biết chừng nào…

Niê Thanh Mai

 

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hương cau ngày cũ
11:11, 03/04/2020
Vuông cỏ cuộc đời
08:14, 29/03/2020
Thời thơ ấu chưa xa
08:34, 25/03/2020
Nhớ đồng...
17:23, 14/03/2020
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.