Multimedia Đọc Báo in

Thị trường di động 2012: Kẻ ở, người đi

08:11, 11/01/2013

Bức tranh thị trường di động Việt Nam 2012 nhiều gam màu tối hơn những gam màu sáng bởi sự cạnh tranh quyết liệt đã đẩy một số mạng di động đến con đường sáp nhập, “tháo chạy” hoặc ở cảnh “chết lâm sàng”. 

EVN Telecom “chuyển khẩu” an toàn

Cuối năm 2011, EVN Telecom “chuyển khẩu”  sang Viettel. Hàng loạt những vấn đề lo ngại đặt ra bởi sự khác biệt trong chính sách, điều hành của EVN Telecom được cho là “khác người” khi “chuyển khẩu” sang một mạng di động đang ở thế thượng phong như Viettel. Thế nhưng, Viettel đã chọn giải pháp không ồn ào nhưng quyết liệt để tiếp nhận mạng lưới, nhân sự và cả khách hàng của EVN Telecom. Cũng đã có những phản ứng nhất định từ khách hàng của EVN Telecom nhưng nhìn chung việc “chuyển khẩu” này đã thành công. Sau khoảng 1 năm thì việc chuyển đổi này được xem như đã hoàn tất. Từ ngày 1-12-2012, Công ty Viễn thông Viettel dừng hoạt động chuyển đổi thuê bao EVN Telecom sang Viettel. Sau thời điểm này, các sim EVN Telecom chưa chuyển sang mạng Viettel sẽ bị xóa khỏi hệ thống và các số điện thoại đi kèm được thu hồi về kho số để tái sử dụng. Động thái này cho thấy Viettel sẽ "khai tử" mạng CDMA của EVN Telecom xây dựng trước đó.

Beeline ra khỏi thị trường Việt Nam

Ngày 8-7-2008, Tập đoàn VimpelCom đến từ Nga và GTel đã ký kết thành lập Công ty CP di động GTel Mobile với thương hiệu Beeline. Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần - tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD. Thời điểm này, thị trường di động Việt Nam đã chững lại sau một thời gian dài bùng nổ. Nhiều chương trình khuyến mãi đã được tung ra, cước di động Việt Nam đang từ nhóm cao trên thế giới đã hạ xuống nhóm thấp nhất thế giới. Mặc dù Beeline tung ra khá nhiều gói cước siêu rẻ như BigZero nhưng nó chỉ như những cơn sóng ào lên rồi rơi vào lặng lẽ. Đến tháng 4-2011, VimpelCom tái khởi động tấn công thị trường Việt Nam khi tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline và nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTel Mobile từ 40% lên 49%. Không lâu sau, hình ảnh Beeline xuất hiện trở lại kèm gói cước "nóng" mang tên Tỷ phú và điện thoại siêu rẻ chỉ 149.000 đồng. Thế nhưng, đến 23-4-2012, GTel Mobile bất ngờ tuyên bố mua lại hết cổ phần của đối tác VimpelCom trong mạng Beeline, đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước. Giới chuyên môn cho rằng, việc VimpelCom "bỏ chạy" khỏi Việt Nam bằng việc bán rẻ cổ phần trong mạng Beeline chỉ với 45 triệu USD chủ yếu do thị trường di động đã "chia xong" và không còn "cửa" cho mạng di động mới. Ngày 17-9-2012, GTel Mobile đã công bố thương hiệu mới Gmobile - chính thức thay thế và chấm dứt việc sử dụng thương hiệu Beeline tại Việt Nam. Nhân sự kiện này, GTel Mobile đã công bố gói cước mới Tỷ phú 3 - gói cước tốt nhất thị trường ở thời điểm này với nhiều ưu điểm nổi trội. Tuy nhiên, Gmobile vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới khi mà thị trường di động vẫn được xem là cuộc chơi của những “ông lớn”.

S-Fone mang phận “con tàu đắm”

S-Fone, cái tên được nhắc đến là người tiên phong phá thế độc quyền của thị trường di động Việt Nam đang được nhìn nhận là điển hình cho sự bi đát nhất trên thị trường di động Việt Nam. Việc không có tiền đầu tư đã khiến S-Fone "lao dốc không phanh". Không có tiền vận hành và trả tiền thuê đặt trạm thu phát sóng nên S-Fone phải thu hẹp mạng của mình. Hàng loạt thuê bao của S-Fone nối đuôi nhau rời mạng hoặc bị “cưỡng bức” rời mạng vì không còn vùng phủ sóng nữa. Nhiều cửa hàng của S-Fone chỉ còn treo mỗi bảng hiệu, đóng cửa im lìm hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Ít thuê bao, không có tiền duy trì bộ máy có lẽ là những nguyên nhân quan trọng nhất khiến S-Fone phải chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên của mình trong khi vẫn nợ các khoản tiền lương và chế độ khác của người lao động khiến người lao động bất bình gửi đơn kiện S-Fone phải giải quyết chế độ cho họ. Với những gì đang diễn ra hiện nay nhiều người tin rằng chuyện S-Fone “ra đi” chỉ còn tính theo tuần mà thôi.

Mạng ảo và giấc mơ không thành

Ngày 19-8-2009, Bộ TT-TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo cho Công ty Đông Dương Telecom. Mạng di động này sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam. Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam theo hình thức bán lại dịch vụ. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó Bộ TT&TT đã tiếp tục nhận được đề án xin cấp phép dịch vụ của VTC, FPT.

Thế nhưng, ngay tại thời điểm 3 doanh nghiệp xin cấp phép mạng di động ảo, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp này đang thực hiện chiến lược “lách mình qua khe cửa hẹp”, thực sự quá khó để cho các doanh nghiệp này bước chân vào thị trường di động Việt Nam. Những nhận định về tương lai cho các giấy phép mạng di động ảo đã không lạc quan ngay từ thời điểm được cấp phép. Và phép màu nhiệm nào đó đã không xảy ra để cho các doanh nghiệp có giấy phép mạng di động ảo có thể nhập cuộc đua di động. Mới đây, Bộ TT-TT đã thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động ảo của Đông Dương Telecom vì lý do không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời gian quy định. Như vậy, Đông Dương Telecom sẽ chính thức rời cuộc chơi trên thị trường di động.

(Theo Báo BĐVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.