Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo Lễ cơm mới của người Mường ở Hòa Thắng

17:24, 29/12/2017

Lễ cơm mới của người Mường Thịnh Lang ở thôn 3, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã được duy trì theo truyền thống có từ lâu đời, được tổ chức vào rằm tháng 10 hằng năm sau khi thu hoạch xong mùa màng với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất, cầu mong cho mọi nhà có cuộc sống sung túc.

Ngay từ tờ mờ sáng ngày 15-10 âm lịch, những người trẻ tuổi trong thôn đã tập trung vo gạo thổi xôi, làm thịt heo, gà để chuẩn bị đồ cúng. Ông chủ đình, ông từ và những người lớn tuổi tập trung tại đình để lau dọn bàn thờ, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe. Sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong, ông chủ đình và 2 ông từ mặc trang phục truyền thống bắt đầu làm lễ.

Người dân thôn 3  làm lễ cúng cơm mới.
Người dân thôn 3 làm lễ cúng cơm mới.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, chủ đình Thịnh Lang, ở thôn 3 hiện có 4 đình của người Mường nhưng chỉ đình Thịnh Lang tổ chức Lễ cơm mới. Lễ vật dâng cúng không thể thiếu heo, gà, xôi, rượu trắng và phải được đặt trên lá chuối xanh. Xôi dùng để cúng phải được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt. Ông chủ đình thay mặt tất cả người dân trong thôn làm lễ cúng tiên đế, thần nông trước nhằm cảm tạ tổ tiên, những người đã có công khai phá, gây dựng bản Mường, rồi đến lễ cúng thành hoàng bản thổ theo truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc Mường cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng phát triển, xóm làng bình yên no ấm... Sau đó, ông chủ đình dùng 2 đồng tiền xin keo, nếu được một sấp, một ngửa nghĩa là tổ tiên, thành hoàng bản thổ đã đồng ý cho dân làng vào làm lễ. Khi nghi lễ cúng kết thúc, mọi người trong thôn quây quần bên mâm cỗ mừng cơm mới...

Người dân thôn 3 cùng quây quần thưởng thức thành quả lao động trong Lễ cơm mới.
Người dân thôn 3 cùng quây quần thưởng thức thành quả lao động trong Lễ cơm mới.

Ông Nguyễn Văn Lập, thành viên ban tổ chức đình Thịnh Lang cho biết, thôn 3 hiện có 56 hộ đều là người dân tộc Mường Thịnh Lang. Để tổ chức Lễ cơm mới, mỗi hộ trong thôn đóng góp từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng để sắm lễ vật tùy theo quy mô mỗi năm. Việc tổ chức Lễ cơm mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Không chỉ tổ chức lễ cúng tại đình, mỗi hộ trong thôn còn cúng cơm mới tại nhà với các nghi lễ đơn giản hơn nhằm giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và cùng sum họp trong bữa cơm đầm ấm sau một vụ mùa làm ăn vất vả. Còn với anh Đinh Hoài Phong (27 tuổi) đây là dịp để những người trẻ học hỏi, tiếp thu, bảo tồn nét văn hóa của cha ông, đồng thời giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi, thắt chặt tình đoàn kết cùng đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Nguyễn Thị Loan, hiện trên địa bàn xã có hơn 1.200 hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Mặc dù di cư từ tỉnh Hòa Bình vào từ những năm 1954 nhưng đồng bào Mường vẫn duy trì các lễ hội truyền thống độc đáo, trong đó có Lễ cơm mới. Lễ hội được tổ chức hoàn toàn tự nguyện, mọi người dân đều tích cực góp công, góp của, chuẩn bị lễ vật, khẳng định nét đẹp trong tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.