Multimedia Đọc Báo in

"Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy"

08:57, 30/06/2018

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy” là câu ca dân gian ngợi ca về sự kiên cố và khả năng lợi hại của Lũy Thầy - hệ thống thành lũy trên vùng đất Quảng Bình được manh nha xây dựng từ năm 1630.

Lũy Thầy hay lũy Đào Duy Từ là tên gọi mà chúa Nguyễn và nhân dân xưng tụng để tỏ lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với Đào Duy Từ, nhà quân sự tài ba đã lên kế hoạch xây dựng và trực tiếp giám sát thi công hệ thống thành lũy phòng thủ đầy sáng tạo và độc đáo này.

Chúa Nguyễn trong công cuộc mở nước xuống cõi Nam vẫn phải tập trung quân lực để chống trả những đợt tấn công và tranh giành ảnh hưởng với họ Trịnh ở bắc sông Gianh. Từ những ngày đầu của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, có thời điểm quân Trịnh đã dốc sức tiến sâu vào đến sông Nhật Lệ (cách sông Gianh khoảng 50 km dọc bờ biển) gây ra mối lo ngại thường trực cho triều đình chúa Nguyễn. Nếu để tình thế ấy kéo dài, Đàng Trong sẽ phải quy phục Đàng Ngoài một sớm một chiều. Nhằm bảo vệ cơ đồ, chúa Nguyễn đã giao cho Đào Duy Từ tiếp quản xây dựng hệ thống thành lũy bề thế và hữu ích.

Quảng Bình Quan (cổng hạ Lũy Thầy).
Quảng Bình Quan (cổng hạ Lũy Thầy).

Năm Tân Hợi (1631), Tổng công trình sư Đào Duy Từ đã chính thức cho người khởi công đào đắp hệ thống Lũy Thầy và hoàn thành sau 3 năm, bắt đầu từ núi Đầu Mâu (nay ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) và kết thúc ở cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới). Lũy Thầy có tổng chiều dài khoảng 34 km, chiều cao thành lũy thường 12 mét, có đoạn chỉ 3 - 6 mét tùy theo địa hình và dụng ý sử dụng. Bề mặt đỉnh lũy luôn rộng rãi, người hay cả voi, ngựa có thể dễ dàng đi lại trên đó. Lũy Thầy hội tụ đầy đủ những yếu tố cực kỳ lợi hại của một phòng tuyến quân sự, lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, giữa lòng là hệ thống sông Nhật Lệ và mặt trước là biển Đông. Tại Đồng Hới, nơi cửa ngõ của Lũy Thầy vốn có chiều ngang địa hình hẹp nhất nước, chỉ xấp xỉ 50 km.

Với lợi thế tự nhiên ấy, Lũy Thầy gần như bịt kín các lối ra vào và hoàn toàn khống chế các mũi tấn công khi có chiến sự xảy ra. Công trình bề thế và hùng vĩ này đã góp phần bảo vệ an toàn dinh trấn của chúa Nguyễn trước thù trong giặc ngoài thời kỳ đang đóng ở Quảng Trị, và khi đã dời vào Huế (từ năm 1774 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát). Cũng từ đây, câu ca: “Khôn ngoan qua được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy” đã được người Quảng Bình thuộc lòng. Thanh Hà ở đây chính là cửa sông Gianh. 

Lũy Thầy là môt hệ thống chiến lũy liên hoàn đắp bằng đất và được chia thành những lũy nhỏ. Đó là lũy Trường Dục, đắp từ núi Thần Đinh men theo sông Rào Đá tới ngã ba sông Nhật Lệ rồi tiếp tục len lỏi qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá và kết thúc ở vùng động cát Hạc Hải, dài khoảng 10 km. Tiếp theo là lũy Đầu Mâu, dài 12 km, khởi đầu từ chân núi Đầu Mâu, dọc theo bờ Nam sông Lệ Kỳ đến Cầu Dài, phía ngoài bờ lũy được đóng dày đặc những cọc gỗ lim còn bên trong sẽ là nhiều lớp cọc tre.  Nối tiếp với lũy Đầu Mâu là lũy Trấn Ninh (lũy Động Hải, lũy Nhật Lệ) bao lấy địa phận Đồng Hới bắt đầu từ Cầu Dài đến phía tây thành Đồng Hới đi qua Đồng Phú, Hải Thành rồi dừng chân ở cửa sông Nhật Lệ. Năm 1634, chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Hữu Dật (học trò của Đào Duy Từ) đắp thêm lũy Trường Sa 7 km, dọc làng cát Bảo Ninh nhằm đề phòng hướng tấn công từ hữu ngạn sông Nhật Lệ.   

Ngọn hải đăng Nhật Lệ trên đỉnh dấu tích Lũy Thầy.
Ngọn hải đăng Nhật Lệ trên đỉnh dấu tích Lũy Thầy.

Đều là những phòng tuyến quân sự nhưng từ sự khác nhau ở vị trí địa lý, địa hình tự nhiên, cấu tạo đồn lũy nên mỗi đoạn lũy trên cũng có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Lũy Trường Dục dùng để bố trí doanh trại, công sự, kho lương thực và giếng nước. Trên thành lũy Đầu Mâu được sắp đặt hệ thống súng thần công, khoảng 15 – 20 m đặt 1 ụ và súng phóng đá, tầm 4 m có 1 ụ. Còn Trấn Ninh là nơi lũy cao hào sâu, lợi dụng cửa biển Nhật Lệ tạo thành hình thế “cổ chai” làm nên dáng đứng thượng phong cho tuyến lũy này, sẵn sàng thách thức và nhấn chìm những đội quân hùng hậu của đối phương.

Và thực tế đã diễn ra như vậy. Năm 1633, Trịnh Tráng đem quân vào tới cửa sông Nhật Lệ đánh chúa Nguyễn nhưng bị đội quân Đàng Trong đánh úp, khiến tướng lính phải cấp tập tháo lui. Năm 1648, quân Trịnh thọc sâu vào Lũy Thầy, tấn công Lũy Trường Dục nhưng bị bao vây tại vùng đầm lầy Võ Xá. Lần này, để mở đường lùi cho ba quân, đã có 3 tướng và hàng nghìn quân lính của chúa Trịnh bị bắt làm tù binh. Năm 1672 là năm diễn ra nhiều trận đánh ác liệt và dai dẳng nhất trong cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn. Hai bên đã giằng co quyết liệt ở Lũy Trấn Ninh. Đến cuối năm, quân Trịnh bắt buộc rút về, từ đó Nam – Bắc nghỉ binh, chấm dứt chiến tranh đẫm máu tương tàn.

Lũy Thầy uy lực và vang dội trong quá khứ nay vẫn còn dấu tích khá đậm nét, với cổng Hạ (Quảng Bình Quan), cổng Thượng (Võ Thắng Quan) và cửa tấn Nhật Lệ. Trong đó, Quảng Bình Quan nằm uy nghi giữa trung tâm tỉnh lỵ, sát bên Quốc lộ 1A, biểu tượng lịch sử - văn hóa, niềm tự hào của tỉnh Quảng Bình. Cùng với đó, dọc con phố Quách Xuân Kỳ, vẫn còn một đoạn lũy là đồi đất thoai thoải dài hàng trăm mét đứng sừng sững hướng ra biển Đông, tượng trưng cho niềm kiêu hãnh thuở nào của chúa Nguyễn. Dưới chân đồi có tấm bia khắc: “Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến”.

Đào Duy Từ (1572 – 1634) quê ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Là người học rộng, tài cao nhưng không được chính quyền Lê – Trịnh trọng dụng, bởi vì có cha, ông Đào Tá Hán là một xướng hát chuyên nghiệp. Không từ bỏ chí lớn, Đào Duy Từ lặn lội vào Nam phò chúa Nguyễn trong vòng 9 năm và tạo được cơ nghiệp lớn lao, được vua Gia Long truy phong là bậc Khai quốc công thần số 1 của họ Nguyễn.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.