Multimedia Đọc Báo in

Đến Nha Trang, nhớ thưởng thức món bánh căn

08:06, 10/06/2018

Ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) không khó để bắt gặp các quán nhỏ ven đường, chỉ kê vài ba chiếc bàn nho nhỏ, nhưng người ra vào liên tục. Một lò than với chiếc khuôn nhiều lỗ tròn, khói bốc lên nghi ngút. Ấy là nơi bán bánh căn, một phần ẩm thực tinh tế của người dân xứ biển.

Bánh căn thường được nhiều người chọn ăn vào buổi sáng. Có lẽ chính cái nóng hôi hổi của những chiếc bánh nướng vừa mới ra lò đã kịp cho vào bát phục vụ thực khách, cộng với làn khói bốc từ các lò than đã làm người ăn cảm thấy ấm bụng hơn trong buổi sớm mai. 

Bánh căn được ăn kèm với xoài xanh bào sợi, mỡ hành.
Bánh căn được ăn kèm với xoài xanh bào sợi, mỡ hành.

Nguyên liệu làm bánh căn cũng cực kỳ đơn giản: bột gạo, vài nơi có pha trộn thêm một ít bột nếp. Tuy nhiên, để chiếc bánh căn có độ xốp nhất định, chín đều, thơm giòn thì nằm ở khâu pha chế bột và kỹ thuật nướng của người làm bánh.

Theo  chị Hồ Thị Liên, người có kinh nghịêm hơn 15 năm làm bánh căn - chủ quán số 699 đường 23 -10, TP. Nha Trang - để làm bánh căn ngon nhất định phải dùng gạo hạt tròn, loại gạo địa phương, mà gạo cũ càng tốt. Gạo được ngâm trong nước 1 giờ đồng hồ rồi mang đi xay mịn. Với loại bánh này, phải tuân thủ đúng thời gian ngâm gạo và khi pha bột, chú ý không được pha loãng quá, cũng không nên quá đặc sẽ làm bánh làm ra bị nhão hoặc khê.

Chị Hồ Thị Liên đang làm bánh căn phục vụ khách.
Chị Hồ Thị Liên đang làm bánh căn phục vụ khách.

Bánh được đổ bằng một chiếc khuôn tròn làm bằng đất nung, bên trên có nắp đậy. Khi lửa than đã  hồng, khuôn bánh nóng lên thì cho bột vào các khuôn nhỏ, đậy nắp lại, được một lúc thì cho nhân bánh vào giữa, tiếp tục đậy nắp cho đến khi bánh chín thì lấy ra. Kỹ thuật làm bánh ngỡ đơn giản mà cũng không hề dễ dàng. Lửa trong lò cũng phải “canh” cho đều, nếu để “hừng” (đỏ) quá thì phải kê khuôn lên cao một chút để bánh khỏi bị cháy khét. Nhân bánh có nhiều vị để thực khách lựa chọn cho phù hợp với khẩu vị của từng người, có thể là nhân trứng cút, trứng gà, thịt bò băm nhỏ hay hải sản tươi sống như tôm, mực… 

Bánh căn vừa chín tới sẽ được bày thành từng cặp trên đĩa, dùng ăn kèm với  xoài xanh thái sợi, mỡ hành, cũng có thể là cá kho và nước chấm. Cái làm dậy nên hương vị riêng của loại bánh này đó chính là thứ nước chấm đã thuộc hàng bí quyết của mỗi người bán. Nước chấm được pha chế khéo léo, có thể là nước mắm hoặc mắm nêm. Thứ nước chấm này không được quá mặn cũng không được quá ngọt. Bánh được bày ra, màu vàng của trứng làm nên sự hấp dẫn trên nền bột bánh trắng phau, ở giữa điểm thêm vài lát mực, con tôm tươi rói. Khi  cắn miếng bánh giòn rụm ở lớp bên ngoài, thơm mềm ở bên trong, cùng với vị hải sản thanh ngọt, vị béo ngậy của mỡ hành, chua ngọt của xoài xanh đã thấm vị đậm đà của thứ nước chấm… không ai có thể quên được hương vị độc đáo này.

Ăn bánh căn còn thú vị ở chỗ, bên một chiếc lò than đang hừng lửa, thực khách thường chọn cách ngồi vây quanh thợ làm bánh. Cái độc đáo gây tò mò cho thực khách là chứng kiến các quy trình làm ra chiếc bánh căn. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được vị ngon của món bánh toát lên từ sự háo hức chờ đợi bánh chín.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.