Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội văn hóa ở xứ Tuyên

14:13, 14/09/2019
Từ ngày 12 đến 14-9, Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 đã được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Đúng như chủ đề “Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ”, lễ hội năm nay có nhiều nét đặc sắc, độc đáo và vô cùng ấn tượng.

Bên cạnh chương trình khai mạc với chủ đề “Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ”, tại Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn có nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của Tuyên Quang; trưng bày, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm du lịch của Tuyên Quang; Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên” trình diễn lồng đèn Trung thu; trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai, trao tặng Giải thưởng Tân Trào và chương trình nghệ thuật “Tuyên Quang hội nhập và phát triển”… 

Đèn Trung thu khổng lồ trình diễn tại Đêm hội Thành Tuyên 2019.   Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Đèn Trung thu khổng lồ trình diễn tại Đêm hội Thành Tuyên 2019. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Một trong những hoạt động được mong chờ nhất là Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên năm 2019”. Trong đêm hội, trên 60 mô hình đèn Trung thu của các tổ dân phố thuộc thành phố Tuyên Quang và các huyện, thành phố trong tỉnh đã được trình diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Người xem vô cùng thích thú với các mô hình lồng đèn rất độc đáo, thể hiện nhiều chủ đề khác nhau về sự tích các con vật ngộ nghĩnh, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch...; đặc biệt là hai mô hình đèn Trung thu “Truyền thuyết Thánh Gióng” và “Rồng vàng” có ý nghĩa sâu sắc nhằm giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.

Đặc biệt, tối 12-9 Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm nay đã diễn ra với sự tham gia của trên 300 nghệ nhân và diễn viên quần chúng đến từ 11 tỉnh, thành phố với 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản văn hóa như: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay - dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông), hát Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của người Dao (Tuyên Quang)… được trình diễn đã mang đến cho người thưởng thức một bức tranh văn hóa đa dạng và đặc sắc của các vùng miền trong cả nước. Các màn trình diễn đều được các đoàn tham gia cố gắng thể hiện với nỗ lực mang đến dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo, nguyên bản nhất để người xem hiểu và tự hào về những di sản văn hóa của đất nước mình.

Trong khuôn khổ Lễ hội và Liên hoan, toàn bộ tuyến Đại lộ Tân Trào của TP. Tuyên Quang đã được thiết kế các gian hàng hai bên đường nhằm trưng bày ẩm thực, sản phẩm du lịch, các đặc sản tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh. Gần với khu vực này là sân Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh là nơi diễn ra Lễ hội Bia Hà Nội. Tại đây cũng có 30 gian hàng với các loại ẩm thực, đặc sản xứ Tuyên được giới thiệu, bán cho du khách thưởng thức, mua về làm quà.

Với sự hội tụ những nét văn hóa đặc sắc, Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 đã trở thành điểm nhấn độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn đối với người dân và du khách đến xứ Tuyên. 

Để quảng bá mạnh mẽ cho Lễ hội và Liên hoan, tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội từ ngày 30-8 đến 1-9. Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc dân tộc như: Triển lãm ảnh “Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”; trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; trích đoạn các nghi lễ truyền thống, đám cưới, nghi lễ hát Then (dân tộc Tày); Nghi lễ cấp sắc, đám cưới dân tộc Dao đỏ; múa khai đèn, múa chim gâu dân tộc Cao Lan; trình diễn trang phục (dân tộc Tày, Dao, Cao Lan); trình diễn, giới thiệu quy trình, cách chế biến ẩm thực tiêu biểu như: Xôi ngũ sắc, bánh gai, bánh dày (dân tộc Tày), bánh chim gâu (dân tộc Cao Lan); trưng bày các gian hàng ẩm thực, những sản phẩm đặc trưng của địa phương; trình diễn mô hình đèn Trung thu “Rồng vàng” và “Truyền thuyết Thánh Gióng”...

Không chỉ tập trung tại TP. Tuyên Quang, các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng hưởng ứng Lễ hội và Liên hoan; đồng thời quảng bá về cảnh vật, con người, sản vật địa phương. Điển hình như huyện vùng cao Na Hang tổ chức Tuần Văn hóa du lịch vùng cao; Liên hoan hát Then, đàn Tính lần thứ II và khám phá danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyện Yên Sơn tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch; huyện Sơn Dương tổ chức Liên hoan Văn hóa, thể thao khu căn cứ cách mạng Tân Trào; huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn huyện; huyện Lâm Bình tổ chức thi mô hình đèn Trung thu và trình diễn mô hình tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Hồng Quang, mở tuyến du lịch lên hang Khuổi Pín, trải nghiệm hang Giếng Trời, Nặm Thuổm, xây dựng quảng bá các tour du lịch homestay trên địa bàn.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.