Multimedia Đọc Báo in

Rãnh thoát nước không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường khu vực chợ Quỳnh Ngọc

05:38, 06/08/2013

Chợ Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hình thành từ năm 2008, do UBND xã quản lý. Đây là điểm giao thương buôn bán chủ yếu của người dân xã Ea Na và các xã lân cận. Hàng ngày có trên 1.000 người dân sinh hoạt buôn bán ở khu vực chợ, thậm chí vào các ngày rằm, Tết số lượng người tăng lên 2 đến 3 lần, với đủ thứ hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến đồ khô lẫn lộn, rất dễ mất vệ sinh. Hơn thế, toàn bộ khuôn viên chợ chỉ có duy nhất 1 rãnh thoát nước nhỏ, nên tất cả rác, nước thải đều đổ dồn xuống miệng cống, ứ đọng lâu ngày bốc mùi hôi rất khó chịu. Chị Trần Thị Luyến, một tiểu thương buôn bán tại chợ bức xúc: hoạt động của tiểu thương ở đây gặp rất nhiều khó khăn do cống thoát nước quá nhỏ, nếu gặp mưa nước ngập từ 10 đến 15cm thì phải kê bàn ghế lên cao để hàng hóa không bị bẩn hoặc nghỉ bán chờ nước rút. Thậm chí ngay phía trước cổng chợ, một cống thoát nước rất to (thuộc tỉnh lộ 2, do Sở Giao thông Vận tải quản lý) cũng thường xuyên trong tình trạng nước ứ đọng, tràn vào trong khu vực chợ. Chưa kể nhiều miệng cống không có nắp đậy, bị hư hỏng nặng, rác thải, phế phẩm vật liệu xây dựng cũng tấp đầy rãnh nước. Thực trạng này tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng khắc phục. Càng vào phía trong chợ, nhất là ở các điểm bán cá, dù mưa hay nắng nền chợ đều lai láng nước thải. Nhiều tiểu thương phản ánh: một khối lượng lớn nước thải ở khu vực bán cá không biết đổ vào đâu, rãnh nước thì lúc nào cũng tràn ngập, nên tiểu thương đành phải đổ nước xuống ngay chỗ mình ngồi bán. Vẫn biết làm vậy là gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của người khác, nhưng vì không có giải pháp nào khác…

Rãnh thoát nước trước khu vực chợ chất đầy đất đá,  rác thải do lâu ngày không được khơi thông.
Rãnh thoát nước trước khu vực chợ chất đầy đất đá, rác thải do lâu ngày không được khơi thông.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết: nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở chợ là do trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư không tính toán đến yêu cầu lâu dài của đường dẫn nước thải và cống thoát nước, do vậy khi số lượng người và hàng hóa ngày càng nhiều, diện tích cống không còn chỗ để chứa. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương phối hợp với ban quản lý chợ vận động các đoàn thể và người dân cùng tham gia nạo vét, khơi thông rãnh nước, đổ bê tông che đậy miệng cống; mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm những hộ dân vi phạm về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi không phải lúc nào cũng huy động được người dân tham gia. Do đó, địa phương đề nghị Sở GTVT nhanh chóng tiến hành duy tu, bảo dưỡng cống thoát nước trước cổng chợ và UBND huyện bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh buôn bán và bảo đảm môi trường vệ sinh tại khu vực chợ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.