Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng đất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

09:50, 27/11/2017

Đắk Lắk có lợi thế phát triển nông nghiệp, song cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (BĐKH), làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất và nguồn tài nguyên đất.

V ấn đề sử dụng đất bền vững thích ứng với BĐKH đã được các nhà khoa học, nhà quản lý bàn thảo tại Hội thảo khoa học “Sử dụng đất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ” do Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Nhận diện thách thức

Tỉnh Đắk Lắk có 1.312.537 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 1.160.328 ha (chiếm 88,42%), đất phi nông nghiệp 88.892 ha (chiếm 6,77%), còn lại là đất chưa sử dụng. Với 298.365,4 ha đất đỏ bazan, Đắk Lắk có lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu và cây ăn quả.

 Do hạn hán, nông dân xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) đã phải phá bỏ nhiều diện tích cà phê.
Do hạn hán một số nông dân huyện Cư M'gar đã phải phá bỏ diện tích cà phê.

Song những năm gần đây BĐKH đã làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết tiêu cực khiến gia tăng rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 1996-2000, toàn tỉnh có 24.322 ha đất nông nghiệp bị ngập lụt thì giai đoạn 2001-2011 là 148.443 ha (tăng trung bình 2,77 lần), diện tích ao nuôi cá bị ngập lụt ở giai đoạn 1996-2000 là 473 ha, còn giai đoạn 2001-2016 là 4.156 ha (tăng trung bình 3,99 lần); từ năm 2001-2016 dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm xảy ra thường xuyên với tần suất ngày càng nhiều hơn. Giai đoạn 2001-2011, lũ lụt gây vỡ, hư hỏng 118 hồ đập, 35 công trình thủy lợi, trong khi đó giai đoạn 1996-2000 không có trường hợp nào xảy ra. Chưa hết, nền nhiệt có xu hướng tăng cao, khô hạn xảy ra nhiều hơn và kéo dài, xen lẫn có những đợt lũ quét, sạt lở đất… gây thiệt hại lớn đối với đời sống dân sinh, thách thức mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Thực tế cho thấy, yếu tố vị trí địa lý, địa hình đã khiến tài nguyên đất Đắk Lắk chịu ảnh hưởng rất lớn từ các điều kiện khí hậu.  Cùng với đó, việc sử dụng đất hiện nay của người dân cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng diễn biến phức tạp của BĐKH đối với tài nguyên đất. Phát triển ồ ạt diện tích cà phê, hồ tiêu… không theo quy hoạch cùng với việc chuyển đổi rất nhiều diện tích đất rừng khộp sang trồng cao su đã làm tăng tình trạng xói mòn, thoái hóa đất, thay đổi môi trường sinh thái cùng với suy giảm nguồn nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên đất và cơ cấu sử dụng đất. Tiến sĩ Y Kanin H’đơk, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk dẫn chứng: “Việc chuyển đổi rừng khộp để lấy đất trồng cao su ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn không chỉ gây thiệt hại lớn trước mắt về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa, khu vực Ea Súp luôn bị ngập lụt nặng (trước đây ít khi xảy ra) gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Điển hình, đầu mùa mưa 2016, tuy lượng mưa không lớn lắm nhưng Ea Súp đã bị ngập nặng, gây chia cắt nhiều địa phương. Còn về mùa khô, nhiệt độ vùng Ea Súp luôn tăng thêm từ 10 trở lên so với các khu vực lân cận, càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân”.

Đề xuất giải pháp thích ứng  với biến đổi khí hậu

Theo tiến sĩ Y Kanin H’đơk, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, để sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH cần quản lý sử dụng đất theo phương án điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối, nhất là khu vực sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển  kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích; tăng diện tích rừng nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ. Cùng với đó xác định cơ cấu cây trồng phù hợp; xác định và lồng ghép các yếu tố BĐKH vào quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp nhằm bảo đảm sự thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH đến sử dụng đất nông nghiệp trong tương lai.

Nông dân huyện Ea H’leo đào giếng tìm nước tưới cho cây trồng giữa mùa khô hạn.
Nông dân huyện Ea H’leo đào giếng tìm nước tưới cho cây trồng giữa mùa khô hạn.

 

 
“Để thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH, vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay là các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường, bảo đảm sử dụng đất hiệu quả và bền vững”.
 
Tiến sĩ Y Kanin H’đơkPhó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Còn tiến sĩ Võ Hùng, Tổ trưởng bộ môn Lâm sinh, Khoa Nông lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng cũng như ở Tây Nam Bộ, vùng Tây Nguyên đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH, trước tiên là thiếu nước. Tỉnh Đắk Lắk có khoảng gần 210.000 ha cà phê; mỗi héc-ta cà phê kinh doanh cần khoảng 3.000 - 4.000 m3 nước để tưới trong 6 tháng mùa khô. Như vậy mỗi năm có hàng tỷ mét khối nước được tưới lên bề mặt, rõ ràng sắp tới nước là vấn đề lớn đối với sản xuất nông nghiệp và ngay cả đời sống. Đơn cử, tại TP. Buôn Ma Thuột vài năm trở lại đây, cứ vào mùa khô là xảy ra tình trạng 3 ngày cúp nước, một ngày có nước. Do đó cần thay đổi nhận thức về bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, thay đổi hệ thống canh tác trên cơ sở tài nguyên nước, trong đó chú trọng nâng cao độ che phủ của những cây thân gỗ lâu năm có đặc điểm chịu hạn, chứ không thể kéo dài tình trạng sử dụng nước tưới cho cây cà phê trong suốt 6 tháng mùa khô như vậy được. “Cho nên giải pháp tìm kiếm các loại cây thân gỗ chịu hạn để trồng xen trong vườn cây nông nghiệp dài ngày, độc canh được xem là hướng đi có tính tất yếu ở vùng Tây Nguyên này trong xu thế hướng đến một nền nông nghiệp bền vững”, tiến sĩ Võ Hùng khẳng định.

Trong giai đoạn 2010-2016 diện tích đất nông nghiệp của Đắk Lắk  tăng 28.795,33 ha do khai hoang mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây lương thực. Tuy nhiên, hiện nay đất có khả năng sản xuất nông nghiệp không còn nhiều để mở rộng thêm nữa. Vấn đề đặt ra là cần bố trí, sắp xếp các loại hình sử dụng đất hợp lý trên cơ sở phát triển thị trường nông sản hàng hóa gắn với sử dụng tiết kiệm đất đai, hạn chế thấp nhất sự mất đất. Vì vậy, thạc sĩ Vũ Hải Nam, Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) mạnh dạn đề xuất giải pháp sử dụng đất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk trên cả 3 phương diện: chính sách, khoa học kỹ thuật và thị trường. Về giải pháp chính sách, thạc sĩ Nam cho rằng cần quan tâm tính hợp lý của quy hoạch sử dụng đất, làm nền tảng cho sử dụng đất bền vững; xây dựng các chính sách trợ giá hợp lý để khuyến khích sản xuất, sử dụng các giống cây, con mới phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt cần giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích khác.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.