Multimedia Đọc Báo in

Cấp thiết giải quyết ô nhiễm môi trường vùng nông thôn (Kỳ 1)

08:05, 29/05/2018

Chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi chưa được thu gom, hay rác thải được thu gom nhưng không được xử lý theo đúng quy trình… là những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay. Để giải quyết tình trạng này còn rất nhiều việc phải làm...

Kỳ 1: Ô nhiễm “từ nhà ra đồng”

Ô nhiễm môi trường nông thôn dù đã được cảnh báo từ rất lâu, song đến nay, tình hình vẫn ngày càng nghiêm trọng khi lượng rác thải sản xuất tích tụ ngày càng nhiều, rác thải xuất hiện từ nhà ra đồng gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất lâu dài của người dân.

Tràn lan rác thải sinh hoạt

Dễ nhận thấy nhất hiện nay là tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên một số tuyến đường từ trung tâm huyện, xã đến các thôn, buôn, hay dọc các kênh mương, chân cầu. Đáng kể nhất là khoảng mười năm trở lại đây,  khi dân số ngày càng tăng, số lượng rác thải khó phân hủy như chai lọ, túi ni lông tích tụ ngày càng nhiều khiến các bãi rác ngày càng “phình to”. Trước thực trạng này, nhiều hộ dân đã chủ động tìm hướng khắc phục như đào hố chôn trong vườn nhà, đốt bỏ hay tìm những bãi đất trống vắng người qua lại để vứt rác... nhưng tất cả những cách làm này chỉ là cách khắc phục tạm thời, thậm chí còn làm tăng thêm độ ô nhiễm môi trường. Chị P.T.X. (xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình có vườn cà phê khá rộng nên trước đây, toàn bộ rác thải hữu cơ trong quá trình sản xuất, sinh hoạt đều được chị tách riêng để xử lý nhằm bổ sung chất hữu cơ cho vườn cây, đồng thời giảm số lần phải đi vứt rác trong một tuần. Tuy nhiên, những năm gần đây, do lượng rác thải khó phân hủy như chai lọ, bao, bì nilon… ngày càng tăng, trong khi đó xã chưa có đội thu gom rác thải và bãi rác tập trung nên ngoài việc đốt, chôn lấp, thỉnh thoảng chị phải mang rác ra vứt ở các đoạn đường thưa dân cư dọc Quốc lộ 26.

Một số người dân huyện Lắk còn nuôi thả gia súc ngay sát nhà ở.
Một số người dân huyện Lắk còn nuôi thả gia súc ngay sát nhà ở.

Ở huyện Ea H’leo, trên tuyến đường liên xã thị trấn Ea Đrăng - Ea Khal, rác thải sinh hoạt tràn ngập hai bên đường, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên tuyến Tỉnh lộ 15 đoạn qua xã Ea Sol (từ đầu dốc thôn 1 đến thôn 5) rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm suốt đoạn đường khoảng 700m. Trước thực trạng này,  người dân đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng có giải pháp xử lý hiệu quả nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sản xuất “bỏ quên” yếu tố môi trường

Những năm gần đây, thời tiết biến đổi bất thường, đặc biệt là mưa trái mùa xảy ra ngày càng nhiều khiến dịch bệnh có điều kiện phát sinh, gây hại cây trồng. Do đó nông dân thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng, chống dịch bệnh . Rất nhiều người dân chưa ý thức được sự nguy hại từ vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, xem đây là một loại rác thải thông thường, không có hại nên thường “tiện đâu vứt đó”, kéo theo tình trạng loại rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngày càng xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, sông suối. Đơn cử như trên các cánh đồng lúa ở xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) sau mỗi đợt hạn các dòng suối nhỏ, kênh mương quanh cánh đồng lại ngập đầy rác thải là vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật xen lẫn với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông dưới gầm, sàn nhà hay nuôi nhốt cạnh nhà ở với chuồng trại thô sơ, không bảo đảm vệ sinh môi trường đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương. Đến các huyện  như Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar, Ea Súp… không khó để bắt gặp hình ảnh những đàn bò, heo tha thẩn kiếm ăn xung quanh vườn nhà hay ven đường. Lý do dẫn đến tình trạng này ngoài thói quen, tập quán chăn nuôi thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số thì còn do đời sống của các hộ chăn nuôi còn nhiều khó khăn, không có điều kiện làm chuồng trại hợp vệ sinh, hay quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên gia súc được thả rông dưới gầm sàn và xung quanh nhà khiến chất thải vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Rác thải nằm ngay bên tuyến đường liên thôn của xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar.
Rác thải nằm ngay bên tuyến đường liên thôn của xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh có gần 274.390 con trâu, bò; hơn 734.060 con lợn; gần 10,5 triệu con gia cầm… Trong đó, chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nông hộ chiếm khoảng 80% và đa phần không khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn nên việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi còn nhiều khó khăn và hạn chế. Thực tế cho thấy, hầu hết người dân vẫn chăn nuôi trong khu dân cư, dưới gầm nhà (nhà sàn) mà không thu gom, xử lý chất thải gia súc thường xuyên; nếu có thì  xây dựng hầm biogas nhưng không vận hành hiệu quả dẫn đến ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 109.839 hộ chăn nuôi, trong đó 62.849 hộ có hệ thống xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ hơn 57%. Còn gần 43% số hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải, đồng nghĩa với việc môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

(Còn nữa)

Thúy Hồng – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.