Multimedia Đọc Báo in

Cấp thiết giải quyết ô nhiễm môi trường vùng nông thôn (Kỳ 2)

08:35, 30/05/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Công tác thu gom và xử lý chất thải: Vẫn còn bỏ ngỏ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn hiện nay là do công tác thu gom và xử lý rác thải vẫn còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường.

Khó từ việc thu gom…

Chất thải, nhất là chất thải rắn  đang phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Nhưng nhiều địa phương chưa coi trọng, chưa có các đơn vị chuyên trách việc thu gom rác thải; ở một số xã dù đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do các nhóm, tổ hợp tác tự tổ chức với phương tiện thu gom thô sơ, chủ yếu bằng xe cải tiến rồi chuyên chở về nơi tập trung rác. Đơn cử như trên địa bàn huyện Lắk, tính đến cuối năm 2017, toàn huyện chỉ mới thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực thị trấn Liên Sơn và một phần xã Đắk Liêng. Do hầu hết các xã đều chưa có đơn vị thu gom rác nên người dân xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp; một số hộ thiếu ý thức vứt rác thải ở các khu vực ít người qua lại, bãi đất trống hay các chân cầu… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến bộ mặt vùng nông thôn.

Tại huyện Ea Súp, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 10%; tình trạng vứt rác bừa bãi tại các tuyến đường, kênh mương, rãnh thoát nước còn khá phổ biến. Vấn đề khó của địa phương vẫn là việc hầu hết các hộ dân đều tự xử lý rác sinh hoạt của gia đình bằng cách chôn lấp hoặc đốt trong đất vườn, trên nương rẫy mà không mấy ai mặn mà với việc hợp đồng, trả phí để các đơn vị thu gom rác thải. Cũng chính vì thế mà UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí (40 triệu đồng/xã) cho một số xã: Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốk, Cư M’lan… để đào hố rác và 1 chiếc xe công nông chuyên chở rác thải nhưng vẫn hoạt động cầm chừng. Việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân không chỉ khiến ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện tại Ea Súp chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí môi trường. 

 Ô nhiễm  môi trường từ cách xử lý rác thải không  phù hợp  ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).
Ô nhiễm môi trường từ cách xử lý rác thải không phù hợp ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).

Đối với chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật thì việc thu gom càng hạn chế hơn. Mặc dù biết rằng đây là nguồn chất thải thuộc danh mục độc hại, cần thu gom, xử lý đúng quy định nhưng thực tế, hầu hết người dân sử dụng xong là tiện đâu vứt đó, kể cả trên bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt.

Đến xử lý chất thải rắn

Thực tế cho thấy, việc xử lý chất thải rắn ở vùng nông thôn hiện nay chưa thực sự được quan tâm; nếu có thì chủ yếu bằng công nghệ thô sơ, lạc hậu. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2017 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 15 bãi chôn lấp chất thải với tổng diện tích gần 60 ha, năng lực tiếp nhận chất thải rắn bình quân khoảng 520 tấn/ngày. Điều đáng nói là hầu hết các bãi chôn lấp tập trung, xử lý chất thải chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Do đó, toàn bộ rác thải sau tập kết chủ yếu được chôn lấp thủ công và xử lý sơ bộ bằng cách phun thuốc diệt ruồi, các chất khử mùi và đốt; các ô chôn lấp sơ sài, không được lót đáy chống thấm và bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác theo quy định nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất cho các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, chi phí xử lý rác thải trên địa bàn các huyện (trừ huyện Cư Kuin) chỉ 40.000 đồng/tấn nên chủ yếu phục vụ cho công tác thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung. Điều đó chẳng khác nào mang rác từ nơi này “vứt” sang nơi khác khiến tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác kéo dài và trở thành vấn đề bức xúc, chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.

Rác thải sinh hoạt vứt tràn lên trên tuyến đường liên xã Quảng Tiến – Ea M’nang (huyện Cư M’gar).
Rác thải sinh hoạt vứt tràn lên trên tuyến đường liên xã Quảng Tiến – Ea M’nang (huyện Cư M’gar).

Đơn cử như bãi chôn lấp chất thải ở Tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) có diện tích 2,2 ha, là nơi xử lý rác thải tập trung của thị trấn. Dù trong đề án quy hoạch bãi rác đã nêu rõ: khi vận hành, khai thác phải có biện pháp khắc phục tối đa các khả năng phát sinh khói, bụi, mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt không để tác động xấu đến môi trường sống của khu dân cư trong vùng…, nhưng trên thực tế bãi rác đã gây khói bụi, mùi hôi, mùi khét do đốt rác; đặc biệt là quy trình xử lý chôn lấp, rắc vôi, phun thuốc khử trùng không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực.

Các loại chất thải độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật hiện nay hầu như chưa được xử lý an toàn, hợp vệ sinh. Một số địa phương người dân còn thu gom chung với rác thải sinh hoạt; số còn lại thì thu gom về điểm tập trung nhưng phải chờ một lượng đủ lớn mới có thể đem tiêu hủy. Riêng một phần chất thải trong chăn nuôi đã được một số trang trại xử lý bằng đệm lót sinh học, hầm biogas; còn phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn thải ra môi trường...

Toàn tỉnh hiện có 17 đơn vị dịch vụ công ích hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 100% huyện, thị xã, thành phố có tổ chức dịch vụ công ích theo hình thức xã hội hóa; riêng khu vực nông thôn chỉ có 27/151 (chiếm 17,88%) xã có tổ chức dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đến khu vực trung tâm xã và khu dân cư tập trung.

 

(Còn nữa)

Thúy Hồng – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc