Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng cùng tham gia "Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon"

08:31, 05/06/2018

Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2018 có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực và quyết liệt của cả cộng đồng.

Báo động “ô nhiễm trắng”

Từ lâu, việc sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen hằng ngày đối với phần lớn người dân trong đời sống sinh hoạt; nhất là hoạt động mua – bán hàng hóa. Dường như, đa số người sử dụng chỉ quan tâm đến sự tiện ích mà không hề nghĩ đến hậu quả của túi nilon đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Với người bán hàng, túi nilon đã trở thành vật dụng không thể thiếu được. Bà L.T.H. bán cá ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, trung bình mỗi tháng bà dùng hết khoảng 5 kg túi nilon các loại để đựng hàng hóa cho khách mua hàng với chi phí khoảng 150 nghìn đồng. Do mặt hàng là tôm, cá nên khi bán bà thường bọc 2 túi rồi mới đưa cho khách để tránh làm dính bẩn và gây mùi tanh cho các thực phẩm khác của họ.

Mô hình tái chế chất thải nhựa và lốp xe tại Lâm viên cảnh TP. Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và Môi trường.
Mô hình tái chế chất thải nhựa và lốp xe tại Lâm viên cảnh TP. Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và Môi trường.

Quả thực, dạo một vòng quanh các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm… đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người tiêu dùng xách vài ba túi nilon trên tay. Sở dĩ thói quen dùng túi nilon khó bỏ là do việc đựng hàng bằng túi này vừa tiện vừa không mất tiền mua. Cũng chính vì thế, sau những lần đi chợ, mua hàng hóa, trung bình mỗi ngày, mỗi hộ gia đình thường thải ra môi trường từ 5-7 chiếc túi nilon. 

Việc người dân vô tư sử dụng túi nilon đã dẫn đến thực trạng “rác thải trắng” xuất hiện nhan nhản trên các tuyến đường, điểm tập kết rác, thậm chí là các ao hồ, kênh mương, đồng ruộng. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, sự tồn tại của chúng trong môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để hạn chế sử dụng túi nilon, những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon đối với môi trường. Qua đó, đã có nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện hạn chế sử dụng túi nilon, tuy nhiên hiệu quả mang lại chỉ nhất thời, để rồi đâu cũng vào đó.

 Đơn cử như năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh thực hiện thí điểm cấp phát túi nilon tự hủy cho các hộ gia đình trên địa bàn phường Thắng Lợi để đựng rác thải. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn như giá thành túi nilon tự hủy cao …, mô hình này đã không được triển khai nhân rộng. Hay như việc tặng làn nhựa đi chợ cho người dân ở một số địa phương dù đã được triển khai thực hiện song hiệu quả cũng không mấy khả quan. Thứ nhất là dù có dùng làn nhựa đi chợ nhưng mỗi khi mua thực phẩm, họ vẫn dùng túi nilon để đựng rồi mới cho vào giỏ; thứ hai là do tính chất công việc nên nhiều chị em thường kết hợp đi chợ rồi đi làm hoặc đi làm về rồi đi chợ luôn nên vẫn sử dụng túi nilon là chính…

 Người dân dùng túi nilon đựng thực phẩm khi mua bán ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột).
Người dân dùng túi nilon đựng thực phẩm khi mua bán ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột).

Thực tế cho thấy, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong đời sống sinh hoạt của người dân quả thật không dễ bởi nếu không sử dụng loại túi này để đựng hàng hóa thì chẳng có vật dụng khác để thay thế. Trong khi đó, túi nilon thân thiện với môi trường chưa được nhiều người lựa chọn bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là do giá thành cao hơn túi nilon thông thường rất nhiều, loại rẻ nhất cũng phải trên 50 nghìn đồng/kg; đồng thời loại túi này không có mẫu mã, kích thước đa dạng phù hợp với hoạt động buôn bán của người kinh doanh.

Mặt khác, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon hiện nay còn nhiều bất cập. Theo quy định, đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định đóng thuế môi trường nên giá thành túi nilon thông thường sản xuất ra thị trường vẫn được bán với giá thành khá rẻ...

Chính vì vậy, để hạn chế “ô nhiễm trắng”, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon thân thiện môi trường, Nhà nước cần có chính sách tăng thuế môi trường đối với túi nilon thông thường; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất túi nilon tự hủy và đặc biệt là cần có giải pháp, đầu tư hệ thống tái chế túi nilon…

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17-12-2009: các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giảm 40% khối lượng sử dụng túi nilon vào năm 2015 và giảm 65% vào năm 2020; tại chợ đầu mối dân sinh và chợ truyền thống giảm 20% vào năm 2015 và 50% vào 2020. Khối lượng thu gom và tái chế chất thải túi nilon trong sinh hoạt cũng giảm 25% vào năm 2015, giảm 50% vào năm 2020.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.