Multimedia Đọc Báo in

Ô nhiễm môi trường từ trang trại nuôi heo trong khu dân cư

08:49, 09/07/2018

Hai năm gần đây, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ gia đình tại thôn Hiệp Bình và Hiệp Lợi (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Đình Giang (thôn Hiệp Lợi) gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, trang trại nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Đình Giang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016 với quy mô 200 con heo, nằm cạnh khu dân cư và cánh đồng lúa của 2 thôn Hiệp Bình và Hiệp Lợi. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình chăn nuôi, trang trại của ông Giang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân; đặc biệt, một số diện tích đất không thể canh tác được. Đơn cử như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Bảo (thôn Hiệp Lợi), do nằm phía sau trang trại chăn nuôi heo nên 4 vụ vừa qua, 1 sào đất trồng lúa đã không còn canh tác được. Ông Bảo cho biết, mọi năm diện tích đất này gia đình ông vẫn trồng lúa, lúa phát triển bình thường. Hai năm qua, khi trại chăn nuôi heo của gia đình ông Giang xây dựng vừa gây bốc mùi hôi thối, vừa để nước thải chảy ngấm vào những diện tích ruộng (dãy ngang của trang trại) của gia đình ông. Theo ông Bảo, khi lội xuống ruộng làm việc có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu; sau đó thấy lúa phát triển tốt, lá rất xanh nhưng lại không trổ bông. Sau nhiều vụ cố gắng thử trồng lúa lại, nhưng vẫn không được nên hai năm nay diện tích đất trồng lúa này bị bỏ hoang. Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết thêm, gia đình có 1,8 sào đất trồng lúa mà nay 1 sào không trồng được nên gia đình phải mua gạo để ăn.

Diện tích đất  trồng lúa của  người dân bị ô nhiễm phải bỏ hoang hóa.
Diện tích đất trồng lúa của người dân bị ô nhiễm phải bỏ hoang hóa.

Với hộ ông Nguyễn Tấn Lê (thôn Hiệp Lợi), ngoài việc gần 1 sào lúa không thể canh tác được do ảnh hưởng từ trang trại chăn nuôi heo, gia đình ông còn luôn sống trong cảnh mùi hôi thối nồng nặc vì nhà ở cách trang trại không xa.

Không chỉ riêng gia đình ông Bảo, mà các gia đình có ruộng ở bên cạnh đó cũng rất lo lắng. Anh Dương Văn Minh (xã Ea H’đing) do không có đất canh tác tại xã nên phải mua 1,4 sào đất ở xã Quảng Hiệp để trồng lúa cải thiện đời sống. Nhưng nay mỗi khi xuống ruộng là anh thấy có biểu hiện ngứa, cây lúa cũng phát triển nhanh hơn bình thường khiến anh Minh rất lo lắng.

Trước thực trạng này, nhiều người dân địa phương đã bức xúc làm đơn gửi đến chính quyền địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết, ngay sau khi nhận được đơn thư của người dân, UBND xã Quảng Hiệp đã thành lập đoàn xuống kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra nhận thấy, trong khuôn viên trang trại bảo đảm vệ sinh, nhưng nguồn phân và nước thải thải ra có ngấm vào các ao, ruộng phía dưới, ảnh hưởng đến cây trồng và gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh đây. Chính vì vậy, trước mắt để giảm ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân, UBND xã yêu cầu chủ trang trại nhanh chóng tìm cách khắc phục, thực hiện xử lý nước thải theo quy trình, củng cố lại các bình biogas trước khi thải nước thải ra môi trường, ngừng việc tái đàn để khắc phục xong tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, động viên gia đình chuyển trang trại heo đến vị trí khác xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Phần diện tích đất trồng lúa nằm phía sau trang trại chăn nuôi heo không cho ra bông.
Phần diện tích đất trồng lúa nằm phía sau trang trại chăn nuôi heo không cho ra bông.

Được biết, tình hình chăn nuôi heo của người dân ở xã Quảng Hiệp đang phát triển mạnh với tổng đàn 2.300 con, trong đó có 2 trang trại, 1 trang trại lớn quy mô 500 con, trang trại nhỏ quy mô 200 con. Do thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát, bảo đảm môi trường chăn nuôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Trước đó, trang trại quy mô 500 con cũng gây ô nhiễm, đã bị chính quyền địa phương xử lý. Hiện nay, trang trại này đã quy hoạch ở xa khu dân cư, khắc phục được vấn đề về môi trường.

Thiết nghĩ, việc đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình là điều đáng mừng và cần khuyến khích. Tuy nhiên, việc chăn nuôi cần phải chú trọng đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân sinh sống xung quanh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.