Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cần thêm sự hỗ trợ

08:56, 29/08/2018

Việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hóa nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, điều này vẫn khó thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên 60% số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 152 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 36%; riêng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 60%. Nguyên nhân một phần do nhiều hộ dân điều kiện kinh tế còn khó khăn, một phần do không ít người dân vẫn nhận thức hạn chế, quan niệm rằng nhà tiêu chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính họ mà còn gây trở ngại trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người.

Gia đình  anh Y V.  (xã Ea Bông, huyện  Krông Ana) đang  xây căn  nhà mới nhưng  không có  ý định  xây dựng  nhà vệ sinh.
Gia đình anh Y V. (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đang xây căn nhà mới nhưng không có ý định xây dựng nhà vệ sinh.

Khảo sát thực tế cho thấy, bên cạnh những hộ gia đình gặp khó khăn, chưa đủ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh thì thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, đã tiếp cận với các phương tiện sinh hoạt hiện đại như điện thoại di động, ti vi, xe máy… nhưng lại “bỏ quên” việc tiếp cận nhà vệ sinh hợp chuẩn. Qua trao đổi thì được biết nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn duy trì tập quán, thói quen không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều hộ thì chưa tiếp nhận đầy đủ, chính xác thông tin về kỹ thuật, chi phí các loại nhà tiêu phù hợp… Đơn cử như với hộ anh Y V. Niê (buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana ) từ trước đến nay vẫn quen đi vệ sinh ở vườn cà phê sau nhà và cảm thấy… rất tiện. Do đó, bây giờ gia đình đang xây dựng căn nhà mới nhưng không hề có hạng mục nhà vệ sinh! Hay như hộ bà H’M. Niê Kđăm (buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar), do điều kiện kinh tế khó khăn không đủ kinh phí xây dựng nhà tiêu nên nhu cầu đi vệ sinh hằng ngày được xả thẳng ra vườn nhà hoặc sử dụng nhờ nhà vệ sinh tạm bợ, sơ sài của hàng xóm. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều hộ trong buôn, trong xã. Hiện xã Cư Huê vẫn còn khoảng 65% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, con số này trên toàn huyện là 38%.

Cần thêm sự hỗ trợ

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các ban, ngành, địa phương đã có nhiều việc làm cụ thể, tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân. Đơn cử như trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng 100  nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn cho các hộ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh (mỗi công trình hỗ trợ 4 triệu đồng).

Ngày 19-11 hằng năm đã được Liên Hiệp quốc lấy làm Ngày Nhà vệ sinh thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe.

Đối với xã Dray Sáp (huyện Krông Ana), ngoài những chính sách tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, năm 2016, khi chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai trên địa bàn xã đã có 141 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh với mức 50 USD/hộ, qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh lên gần 80%. Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho biết, thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, chú trọng việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân biết việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như tiêu chảy, bệnh đường ruột... Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức cá nhân giúp nhân dân làm nhà vệ sinh. Việc hỗ trợ này vừa giúp họ tiếp cận với điều kiện vệ sinh tốt hơn, thúc đẩy việc thay đổi thói quen không tốt vừa góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bà H’Mớt Niê Kđăm (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) thường xuyên sử dụng nhờ nhà vệ sinh không hợp vệ sinh của hàng xóm.
Bà H’Mớt Niê Kđăm (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) thường xuyên sử dụng nhờ nhà vệ sinh không hợp vệ sinh của hàng xóm.

Thiết nghĩ, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và gia đình cũng như ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Do đó, ngoài việc vận động người dân chú trọng xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thì vẫn rất cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa về kinh phí để tạo động lực và thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.