Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường ở huyện Ea H'leo: Cần thay đổi nhận thức người dân

08:49, 18/12/2018

Sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền huyện Ea H’leo đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, để môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp thì vẫn rất cần sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân.

Trên địa bàn huyện Ea H’leo có nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, chủ yếu tập trung ở các khe suối, hai bên tuyến đường quốc lộ, khu vực ít dân cư sinh sống… Cụ thể như hai bên cầu giao thông ở thị trấn Ea Đrăng đoạn từ buôn Blếch đi buôn Lê rác thải hai bên các tuyến đường liên thôn - buôn ở các xã Ea Hiao, Ea H’leo, Cư Mốt, Ea Răl; khu vực chợ xã Ea Sol… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do ý thức của người dân, nhiều người chỉ nghĩ đến việc sạch nhà mình mà mang rác vứt bừa bãi ra chỗ khác, dẫn đến những bãi rác tự phát hình thành vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng cảnh quan, đặc biệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sinh sống xung quanh khu vực.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Ea Đrăng thu gom rác thải trên các tuyến đường.
Đoàn viên thanh niên thị trấn Ea Đrăng thu gom rác thải trên các tuyến đường.

Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý và xây dựng các mô hình, hoạt động thiết thực. Đơn cử như mô hình “Hố rác tại gia đình” của Hội LHPN huyện đã được đông đảo hội viên phụ nữ các thôn, buôn thực hiện, nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường ở các xã, nhất là xã vùng sâu, vùng xa. Được biết đến nay, toàn huyện có gần 100% số thôn, buôn thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, khoảng 3.000 hộ gia đình xây dựng hố xử lý rác thải.  Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác cũng được ứng dụng và phát huy hiệu quả như “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương” của Hội Nông dân; “Ngày thứ 7 tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên…

Hiện nay, toàn huyện có 10/12 xã, thị trấn có tổ chức thu gom rác thải. Ở khu vực nông thôn, đơn vị thu gom rác thải chủ yếu hoạt động trong khu vực chợ và trung tâm xã. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày toàn huyện thải ra trên 70 tấn rác thải sinh hoạt.

Ở xã Ea Ral, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải trên các tuyến đường liên thôn, buôn, địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân qua họp thôn, buôn, loa truyền thanh hay tuyên truyền lưu động; thường xuyên phát động nhân dân tham gia dọn vệ sinh môi trường các khu vực công cộng; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước khu dân cư... Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, theo dõi việc đổ rác thải không đúng quy định ở một số khu vực; trường hợp người dân phát hiện người đổ rác không đúng quy định sẽ được khen thưởng tiền mặt (500 nghìn đồng), cộng thêm số tiền xử phạt đối tượng vi phạm. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, trong tổng số 15 thôn, buôn của xã, có 7 thôn, buôn đã thành lập tổ thu gom rác thải, 2 thôn hợp đồng với Hợp tác xã Bình An thu gom và 6 buôn thực hiện mô hình “Hố rác thải tại gia đình”.

ô hình
Mô hình "hố rác tại gia đình" của phụ nữ buôn Ariêng B (xã Ea Ral) góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức của người dân thì thực tế hầu hết các điểm tập kết rác thải của nhiều địa phương chỉ được làm tạm thời, quy cách xử lý chưa đúng, không đảm bảo vệ sinh… cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay.

Ông Đinh Thanh Hải, Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Ea H'leo cho biết: “Hiện nay, công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện dù đã có nhiều chuyển biến nhưng kết quả vẫn chưa cao, nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng và triển khai sâu rộng. Nguyên nhân ngoài việc thiếu kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, thiếu nguồn nhân lực ở các địa phương và thiếu kinh nghiệm chuyên môn thì ý thức cũng là một vấn đề quan trọng. Do vậy, ở những khu vực “nóng” về môi trường dù chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động cộng đồng và thuê xe đến thu gom rác rồi đưa đi xử lý nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại tái diễn khiến công tác bảo vệ môi trường gặp không ít khó khăn”.

Thiết nghĩ, để công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả, trong khi chờ các cấp, ngành đầu tư, thành lập các tổ thu gom, xây dựng bãi xử lý rác thải đúng quy chuẩn thì quan trọng nhất hiện nay vẫn là sự thay đổi nhận thức, hành động của chính mỗi người dân; nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.