Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Cao điểm phòng, chống cháy rừng

08:37, 21/05/2020

Trong những ngày qua, tình trạng nóng nắng kéo dài đã gây hạn hán trên diện rộng, nhiều ao hồ, sông suối trên địa bàn huyện M’Đrắk đã cạn nước, nhiều diện tích rừng của huyện có nguy cơ cháy rất cao.

Chỉ trong hai ngày 8 và 10-5, trên địa bàn xã Ea Lai đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 30 ha rừng keo trồng năm thứ ba (trong đó có 11 ha rừng của Công ty nguyên liệu giấy Tân Mai và trên 20 ha rừng của người dân trồng). Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm và lực lượng tại chỗ trên 100 người để dập lửa song do nắng nóng kéo dài, lớp thực bì dày cộng với gió lớn khiến công tác chữa cháy rừng rất khó khăn.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện M'Đrắk.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện M'Đrắk.

Huyện M’Đrắk hiện có 70.025,9 ha rừng, trong đó có 57.738,8 ha rừng tự nhiên, 10.335,8 ha rừng trồng, 1.951,3 ha rừng ngoài quy hoạch; tỷ lệ độ che phủ rừng hiện nay là 53,37%. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho các đơn vị quản lý gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk 25.867,6 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu 36.690,8 ha; Công ty nguyên liệu giấy Tân Mai 2.129,2 ha, còn lại là diện tích rừng do các xã quản lý. Phần lớn rừng phân bố ở nơi có địa hình đồi dốc lớn, chia cắt phức tạp, rất khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng; trong đó có trên 5.606,51 ha rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy, tập trung chủ yếu tại các xã Ea Trang 1.226,2 ha, Cư Króa 587,9 ha, Ea M’đoal 721,3 ha, Ea H’Mlay 100 ha, Cư M’ta 128,6 ha, Ea Lai 85 ha, Krông Á 637,8 ha, Cư San 935,8 ha...

Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng, UBND huyện M’Đrắk đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về các biện pháp cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chủ động xây dựng phương án tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng và huy động lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, treo panô, áp phích, cắm các biển “Cấm lửa” và bảng báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy. Đồng thời, chỉ đạo các xã tổ chức ký cam kết với nhân dân trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng 21 chòi canh ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, bố trí lực lượng trực tuần tra 24/24 giờ vào thời gian cao điểm để phát hiện và xử lý kịp thời các điểm cháy rừng; huy động tích nước tại 8 hồ chứa gần rừng tại các xã Ea Trang, Cư Króa, Ea Lai, Krông Á, Krông Jing, Ea M’đoal…

Hiện trường vụ cháy rừng xảy ra tại xã Ea Lai vừa qua.
Hiện trường vụ cháy rừng xảy ra tại xã Ea Lai vừa qua.

Bên cạnh đó, huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các chủ rừng rà soát phương án tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng và huy động lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn; tổ chức thu dọn thực bì làm đường băng cản lửa để phòng cháy chữa cháy rừng; đối với diện tích nương rẫy gần rừng, tổ chức đốt cưỡng chế dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị chủ rừng và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, bảo vệ rừng…

Đối với hơn 5.606 ha rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy, huyện M’Đrắk đã phân thành 4 vùng và chỉ đạo xây dựng phương án huy động lực lượng tham gia chữa cháy, cụ thể: vùng 1 gồm xã Cư San, Krông Á; vùng 2: xã Cư M’ta, Ea Trang; vùng 3: xã Ea H’Mlay, Ea Lai, Cư Prao; vùng 4: xã Ea Riêng, Ea M’đoal, Cư Króa.

Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.