Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn giao thông: Nhìn từ đối tượng người đi bộ

19:20, 25/07/2015

Tai nạn giao thông đã và đang có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát, trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đến mạng sống của con người.

Điều đáng chú ý, không chỉ có những người điều khiển phương tiện giao thông mà cả người đi bộ cũng là đối tượng gây tai nạn giao thông và làm gia tăng nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra.

Pháp luật về an toàn giao thông đã có những quy định cho người đi bộ khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Theo đó, Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường; người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường”. Đồng thời, pháp luật cũng đã quy định hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm của người đi bộ như: Hành vi người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn, mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng… Nếu chấp hành đúng các quy định pháp luật nêu trên thì chắc chắn con số về các vụ tai nạn giao thông đối với người đi bộ sẽ giảm đáng kể. Tuy quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng là vậy nhưng thực tế tình trạng vi phạm các quy định này vẫn còn nhiều.

Theo thống kê của các ngành chức năng, tai nạn giao thông đối với người đi bộ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân; trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: Người đi bộ không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, chưa có ý thức khi tham gia giao thông; cơ sở hạ tầng về giao thông nói chung và giao thông cho người đi bộ nói riêng chưa bảo đảm; hành vi vi phạm và ý thức của những người tham gia giao thông khác… Qua quan sát, có thể thấy tình trạng người đi bộ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông là rất nhiều và khó kiểm soát. Tại nhiều ngã tư, nhiều người vẫn đi bộ vô tư băng qua đường dù đèn tín hiệu giao thông chưa báo cho phép sang đường; sẵn sàng băng qua các “con lươn” để qua đường một cách nhanh nhất; ung dung đi trong phần đường giành cho xe cơ giới… Bên cạnh ý thức của người đi bộ khi tham gia giao thông, ý thức của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khác cũng là một điều đáng báo động, góp phần làm gia tăng tai nạn cho người đi bộ. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông phải hãm tốc độ khi đi qua vạch kẻ đường cho người đi bộ song rất nhiều người  vẫn “phóng” rất nhanh, bất chấp người đi bộ đang sang đường, thậm chí họ còn lấn cả phần đường dành cho người đi bộ… Thực tế cho thấy, hiện nay cơ sở giao thông cho người đi bộ ở nước ta còn thiếu và yếu, nhiều khi các cấp chính quyền tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông cơ giới mà “quên” mất cơ sở hạ tầng cho người đi bộ. Chẳng hạn, việc xén vỉa hè để mở rộng lòng đường, xây dựng các cầu vượt; nhiều con đường, thậm chí là tại các cổng trường học, bệnh viện không có chỗ cho người đi bộ qua đường, thiếu các biển báo, biển chỉ dẫn dành cho người đi bộ… Ngoài ra, vấn đề xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người đi bộ còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ, dẫn đến tình trạng vi phạm của người đi bộ càng gia tăng, làm hạn chế ý thức của người đi bộ.

Việc bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ nói riêng và an toàn cho người tham gia giao thông nói chung là một vấn đề cấp thiết. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả như: tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông, giúp người dân nắm vững các quy định pháp luật về an toàn giao thông, hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của các vụ tai nạn giao thông để việc hành xử theo pháp luật trở thành thói quen của mỗi người; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, bảo đảm hệ thống giao thông cho người đi bộ như xây thêm cầu vượt, hầm ngầm cho người đi bộ, dành cho người đi bộ phần đường thỏa đáng…; xử lý nghiêm túc, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.      

Phan Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.