Multimedia Đọc Báo in

Ám ảnh "dốc tử thần" ở xã Tam Giang

08:51, 13/07/2018

Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhưng đoạn dốc ở Km 161 + 500 trên Quốc lộ 29, đoạn qua xã Tam Giang (huyện Krông Năng) vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn dốc này chỉ dài khoảng 2km và được đầu tư xây dựng với chất lượng khá tốt nhưng lại được các tài xế gọi là "dốc tử thần". Sở dĩ có tên gọi ám ảnh như vậy bởi có rất nhiều am thờ lớn, nhỏ ở hai bên đường cho những lái xe, nạn nhân xấu số vì TNGT.

Chắc hẳn nhiều người dân xã Tam Giang vẫn chưa quên vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở “dốc tử thần” vào tháng 12-2017 do xe container mang BKS 78R-004.22 chở phân bón lưu thông theo hướng từ tỉnh Phú Yên về Đắk Lắk. Khi đang đổ dốc thì xe mất lái đâm vào lề đường bên trái, sau đó húc bay một đoạn taluy và lật úp bên cạnh một mương thoát nước, cú va chạm mạnh khiến cả tài xế và phụ xe tử vong tại chỗ trong cabin. Trước đó, tại "điểm đen" này cũng đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khi một xe ô tô chạy với tốc độ cao bất ngờ mất phanh và lao thẳng vào nhà dân, may mắn không có thương tích về người nhưng xe ô tô và nhà dân bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại hàng tỷ đồng.

Chị Lê Thị Hinh, người dân sống gần khu vực  này cho biết, do địa hình hiểm trở nên “dốc tử thần” có nhiều phương tiện đi qua bị va quẹt, tai nạn. Độ dốc lớn và cua gấp khiến các lái xe từ địa phương khác khi đi qua đây rất dễ rơi vào tình trạng ôm cua không kịp và bị mất lái hoặc khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra. Chia sẻ kinh nghiệm vượt cung  đường “tử thần” này, anh Lê Trai, một tài xế xe tải bộc bạch: “Khi đi qua cung đường này người điều khiển phương tiện giao thông phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Ở những khúc cua nên bấm còi, đi thật chậm để quan sát xe đi ngược chiều bị khuất tầm nhìn và bật đèn pha vì ở đây hay có sương mù”.

Địa hình đèo dốc hiểm trở  tại Km 161 + 500  đoạn qua  xã Tam Giang  (huyện Krông Năng) thường xảy ra tai nạn  giao thông.
Địa hình đèo dốc hiểm trở tại Km 161 + 500 đoạn qua xã Tam Giang (huyện Krông Năng) thường xảy ra tai nạn giao thông.

Được biết, để khắc phục tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường này, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… Đồng thời phối hợp với Ban An toàn giao thông mở rộng thêm mặt đường tại các vòng cua khúc khuỷu, xây dựng hộ lan và lắp một số biển báo chỉ dẫn vào cua, biển hạn chế tốc độ... Tuy nhiên, Đại úy Bùi Viết Quỳnh, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Krông Năng cho biết, chỉ tính riêng 2 năm gần đây tại khu vực Km 161 + 500 đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng làm 4 người chết, trong đó số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày do lái xe bị hạn chế tầm nhìn. Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT thì có tới hơn 80% số vụ tai nạn xảy ra là do người dân chủ quan, không ý thức được mức độ nguy hiểm, kỹ năng xử lý tình huống khi vào cua kém... Trong đó, phần lớn vi phạm các quy tắc giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, tránh đường sai quy định.

Việc tập trung xóa “điểm đen” để không còn những vụ TNGT thương tâm là cần thiết, song bên cạnh sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng thì ý thức tuân thủ, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đi đúng tốc độ cho phép, chú ý quan sát, không phóng nhanh, vượt ẩu của người điều khiển phương tiện là yếu tố quyết định hàng đầu. Đặc biệt, với các phương tiện xe tải, xe khách đường dài, lái xe mỗi khi qua đèo dốc phải kiểm tra an toàn kỹ thuật cho phương tiện trước khi xuất phát, có như vậy bài toán về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở Km 161 + 500 mới tìm ra lời giải một cách thỏa đáng.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.