Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa: Còn lắm nỗi lo! (Kỳ 1)

08:58, 05/07/2018

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Đắk Lắk bình lặng hơn. Tuy nhiên, do đặc thù sông ngòi nơi đây lắm thác ghềnh, độ dốc cao, dòng chảy xiết... nên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Kỳ 1: Tiềm ẩn những nguy cơ

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa, tuy nhiên hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Phập phồng những chuyến đò ngang!

Mùa mưa, dòng sông Krông Ana như rộng hơn, nước cuồn cuộn chảy.  Vậy nhưng tại bến đò Quỳnh Ngọc (thuộc địa bàn thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) vẫn tấp nập người qua lại. Có mặt tại bến đò, chúng tôi chứng kiến trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến đò phục vụ người dân của 2 huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) qua lại làm nương rẫy hoặc giao thương nhưng đa số đều không mặc áo phao khi qua sông. Anh Nguyễn Văn Hải (trú tại huyện Krông Ana) cho hay: “Tôi thường xuyên qua lại trên chuyến đò này, chi phí 10.000 đồng/người/lượt và thấy hầu hết không ai mặc áo phao, dù áo phao trên thuyền cũng được trang bị nhưng chủ yếu dùng để “ngụy trang”. Mặc dù cảm thấy bất an khi ngồi lên đò, nhất là mùa mưa lũ nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cũng đành phải... liều”.

CSGT đường thủy hướng dẫn người dân sử dụng áo phao khi qua sông.
CSGT đường thủy hướng dẫn người dân sử dụng áo phao khi qua sông.

Huyện Krông Ana là địa phương có hệ thống giao thông đường thủy nội địa lớn của tỉnh với hơn 80 km đường sông, có hàng trăm tàu, thuyền thường xuyên hoạt động và tham gia giao thông trên sông. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban ATGT huyện, toàn huyện chỉ có khoảng 75 tàu đăng ký hoạt động, có 3 bến đò ngang (Bình Hòa, Quảng Điền và Dur Kmăl), 7 tuyến đò dọc được cấp phép hoạt động.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh có khoảng 1.000 phương tiện thủy đang hoạt động trên các dòng sông. Hiện mới chỉ có hơn 70 tàu, thuyền được đăng ký, đăng kiểm; trong đó, có 63 tàu hút cát, 2 tàu chở người, 3 ca nô công tác, 2 tàu không động cơ chở thiết bị bơm...

Tương tự, thực tế này vẫn diễn ra ở nhiều bến sông khác trên địa bàn tỉnh. Dọc các sông hiện có 4 bến cát chính: Giang Sơn, Quỳnh Ngọc, Yang Reh, Cư Păm và các bến đò ngang như: Buôn Trấp, Bình Hòa, Quảng Điền (huyện Krông Ana), Krông Nô, Buôn Jun (huyện Lắk), Ea Trul (huyện Krông Bông)... Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, đa số các bến thủy nội địa trên địa bàn đều là bến tự phát hình thành từ nhu cầu sản xuất, đi lại của người dân các địa phương, chưa được cấp phép hoạt động.

Cảnh báo tai nạn đường thủy

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc quản lý hoạt động liên quan đến vận tải đường thủy tại nhiều địa phương còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả; tình trạng phương tiện đường thủy chưa được đăng ký, đăng kiểm vẫn tham gia giao thông trên đường thủy nội địa chiếm tỷ lệ khá cao; một số cơ sở đóng tàu đang hoạt động không đúng với quy định của pháp luật; một số phương tiện chở khách không bảo đảm các điều kiện an toàn, vẫn chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không qua đào tạo, không có bằng, chứng chỉ hành nghề theo quy định... Tình trạng này không những gây khó khăn trong quản lý mà còn là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT đường thủy.

Bến đò ngang Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) không phép nhưng vẫn đông khách.
Bến đò ngang Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) không phép nhưng vẫn đông khách.

Thực tế, đã từng xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường thủy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Đơn cử, vào khoảng 17 giờ ngày 5-11-2016, đoàn cán bộ Công an huyện Krông Bông gồm 7 người đi trên một xuồng máy làm nhiệm vụ cứu hộ trên sông Krông Ana (đoạn cầu chữ V nối giữa xã Hòa Tân và Khuê Ngọc Điền) thì bị lật úp khiến tất cả bị cuốn trôi. Rất may, 5 người kịp bơi vào bờ, 2 người bị nước lũ cuốn đi một đoạn rồi tiếp cận được khu vực an toàn. Hoặc vào ngày 11-1-2017, trên sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn xã Ea Trul, huyện Krông Bông) xảy ra vụ lật thuyền chở theo khoảng 18 người (chủ yếu trú tại xã Buôn Triết, huyện Lắk) trên đường đi làm rẫy về khiến 3 người chết; Ngày 9-12-2017, trên sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã xảy ra một vụ lật thuyền máy khiến một người đàn ông bị nước cuốn trôi tử nạn…

(Còn nữa)

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.