Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa: Còn lắm nỗi lo! (Kỳ 2)

08:51, 06/07/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Nỗ lực vì bình yên sông nước 

Hiện nay đang là mùa mưa bão nên nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường thủy rất cao. Vì vậy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy càng cần được chú trọng.

Khó kiểm soát phương tiện thủy

Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý phương tiện giao thông thủy như: tiến hành đăng ký, đăng kiểm; kiên quyết không cho tham gia giao thông đối với những phương tiện không đạt tiêu chuẩn; mở các lớp dạy lái tàu, thuyền cho chủ phương tiện; đồng thời, quy hoạch cắm biển báo hiệu giao thông đường thủy hoặc trang bị dụng cụ cứu sinh cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa còn nhiều bất cập; hầu hết phương tiện chuyên chở đều là phương tiện tự đóng, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và không bảo đảm an toàn.

Ông Lê Đình Minh,  Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Những năm gần đây, vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh tăng mạnh cả về khối lượng vận chuyển, loại hình cũng như tuyến vận chuyển. Theo đó, đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cũng tăng đột biến, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái thuyền nên để có chứng chỉ hoặc giấy phép, người dân phải đi tới các tỉnh như Khánh Hòa hay các tỉnh Đông Nam Bộ có trung tâm đào tạo để học. Chưa kể điều kiện kinh tế của đại đa số chủ thuyền khá khó khăn, ngại đi lại tốn kém, phiền phức nên chưa đi học lấy bằng lái...”.

CSGT đường thủy hướng dẫn người dân cách bảo đảm an toàn khi lưu thông trên sông nước.
CSGT đường thủy hướng dẫn người dân cách bảo đảm an toàn khi lưu thông trên sông nước.

Công tác bảo đảm ATGT đường thủy còn gặp nhiều khó khăn khác. Theo Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh), đa số cán bộ, chiến sĩ đều từ lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ chuyển qua, làm việc theo kinh nghiệm là chính. Sông ngòi ở Đắk Lắk có nhiều vùng nước xoáy, đá ngầm cũng gây cản trở hoạt động tuần tra. Chưa kể, nếu xảy ra những trường hợp bất thường trên sông vào ban đêm thì việc tuần tra, kiểm soát phải đối mặt với nhiều rủi ro, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng...

Nỗ lực bảo đảm ATGT đường thủy nội địa

Thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới” và chương trình hành động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước, giai đoạn 2016-2020” của Ủy ban ATGT quốc gia, thời gian qua các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, qua đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người dân. Các địa phương cũng đã chủ động vận động các nguồn lực xã hội để trang bị áo phao cứu sinh cho các bến đò ngang sông. Chẳng hạn, từ năm 2015 đến nay, huyện Krông Ana đã cấp hơn 400 áo phao và dụng cụ cứu sinh cho các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn huyện; Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã hỗ trợ một chiếc đò ngang cho nhân dân xã vùng sâu Ea Trul (huyện Krông Bông) - là địa phương đặc biệt khó khăn, có nhiều sông, suối, ao, hồ cách trở...

Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện thủy trên sông Krông Ana. Ảnh: T.Hùng
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện thủy trên sông Krông Ana. 
 

“Để hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm về TTATGT đường thủy, hạn chế tai nạn giao thông đường thủy nội địa, các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa để người dân hiểu và chấp hành nghiêm”. 

 
 
Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy

Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của các lái tàu, thuyền và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Trong năm 2017, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phát hiện, lập biên bản xử lý 143 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; ra quyết định xử phạt 129 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 130 triệu đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT đường thủy phát hiện và xử lý 80 trường hợp người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn, 18 trường hợp không có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm phương tiện, 20 trường hợp không có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật, 50 trường hợp không có phương tiện cứu sinh, 10 trường hợp không có phương tiện chữa cháy, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 40 triệu đồng... Nhờ đó, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào.

Nhìn chung, hoạt động vận tải trên đường thủy nội địa vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Nhưng với thực trạng nêu trên, cùng với tình hình thời tiết dự báo diễn biến phức tạp, có thể gây ra những hậu quả khôn lường thì công tác bảo đảm ATGT đường thủy cần được chú trọng hơn nữa, nhất là trong mùa mưa bão. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đang chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm ATGT với những hoạt động cụ thể: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện; hướng dẫn cho người đi thuyền mặc áo phao, dụng cụ nổi cũng như những kỹ năng cần thiết khi di chuyển bằng đường thủy; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên đường thủy, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Sở GTVT đôn đốc các địa phương tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền chủ phương tiện thủy thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT đường thủy; lập danh sách để tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, đặc biệt là các phương tiện thủy chở khách; phối hợp với các ngành chức năng mở lớp học lái ca nô, thuyền máy cho người dân...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.