Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa giao thông, hãy chú ý đến việc sử dụng còi xe!

07:21, 01/07/2018

Tai nạn giao thông xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả ý thức nhường nhịn kém của những người lái xe. Hối hả giành đường đi trước, nhiều tài xế đã bấm còi inh ỏi, mọi lúc mọi nơi.

Là một lái xe, tôi đã có kinh nghiệm "nhớ đời" về việc sử dụng còi. Hôm đó, chiếc xe do tôi cầm lái từ Hà Nội về đến vòng xoay cây số 3, TP. Buôn Ma Thuột. Đến đoạn trước Phòng bán vé máy bay tôi phát hiện một thanh niên mặc đồ thể thao đang đứng nói chuyện với các bảo vệ phòng vé. Bất ngờ thanh niên này quay người lao thẳng ra đường hướng vào chiếc xe của tôi. Theo phản xạ, tôi bóp còi. Tiếng còi hơi réo vang, nhưng người thanh niên vẫn không dừng lại. Tôi phanh gấp cho xe dừng hẳn. Rầm…!!! Tiếng va chạm giữa người và xe quá lớn. Không dám bước xuống xe, tôi ôm đầu gục xuống tay lái và nghĩ đến hậu quả xấu nhất đã xảy ra với người thanh niên. Đến khi có người vỗ vai bảo tôi đi đi, người thanh niên đó bị tâm thần, tôi mới dám mở mắt. Người điên đứng cách xe tôi một đoạn, cười vô hồn.

Sau lần tai nạn hụt đó, tôi đã có một bài học: Còi với người điên thì phỏng có ích gì… Tất cả các vụ va chạm cho dù người lái xe đã bấm còi, đã nháy đèn, đã bật xi nhan, đã phanh… nhưng vẫn xảy ra tai nạn… Tốt nhất là đi chậm, không phóng nhanh, vượt ẩu thì mới có cơ may không để xảy ra tai nạn, hoặc có xảy ra thì cũng nhẹ như trường hợp người điên lao vào xe tôi vậy.

Giao lộ Nguyễn Tất Thành - Lý Tự Trọng vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Tuyết
Giao lộ Nguyễn Tất Thành - Lý Tự Trọng vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Tuyết

Tiếng còi đinh tai buốt óc chỉ thể hiện trình độ, khả năng làm chủ tình huống yếu kém của lái xe. Nhiều tiếng còi còn thể hiện sự vô tâm, vô cảm của tài xế như tiếng còi giữa đêm hôm thanh vắng, bấm còi nơi sát trường học, bệnh viện, còi vượt đoàn xe tang, hối thúc số đông người đang chờ đèn xanh... Còn có cả những tiếng còi có thể giết người. Đó là ở những đoạn đường hẹp, có xe ngược chiều đang đến, người đi bộ và người đi xe máy đã ép sát lề không còn chỗ tránh, nhiều lái xe vẫn cố tình đạp ga lướt tới và liên tục nhấn còi trấn áp, khiến nhiều người hoảng loạn lao xuống vực hoặc trượt ngã lăn vào bánh xe chết thảm.

Để đủ điều kiện lưu thông trên đường, mỗi người đều phải học và được cấp bằng lái xe, khi đó các giảng viên đều giải thích, phân tích về việc sử dụng còi sao cho hợp lý. Nhưng với nhịp sống vội vã, hối hả và cả ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông đã khiến nhiều người sử dụng tiếng còi vô tội vạ ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào để có thể đi nhanh hơn một chút với lập luận: Giao thông kiểu Việt Nam, nếu không có còi sẽ không thể đi được (!).

Đã đến lúc mỗi lái xe cần thay đổi thói quen của mình. Hãy bắt đầu bằng việc giảm ga, nhường đường thay vì sử dụng còi vô tội vạ. Thay vì trông chờ vào tiếng còi vô cảm, hãy tập trung xử lý các tình huống một cách khoa học để lái xe an toàn. Điều này sẽ làm nhân cách người tham gia giao thông đẹp hơn nhờ biết nhường nhịn, hiểu mình, hiểu người, giữ an toàn cho mọi người.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.