Multimedia Đọc Báo in

Sự việc - Ý kiến

Khốn khổ với đường như... ruộng

12:18, 22/08/2018

Hơn 1.000 hộ dân của 8 thôn, buôn thuộc xã Buôn Triết (huyện Lắk) đang phải vật lộn với bùn đất lầy lội để đi lại trên con đường độc đạo nối với trung tâm xã.

Đã gần một tháng nay, cửa hàng quần áo của chị Hà Thị Hiên, thôn Đoàn Kết 2 do đường sá lầy lội nên khách vắng hoe. Phía trước cửa hàng nhà chị, con đường như một đầm lầy, bùn đỏ quạch, nhão nhoét, có hố sâu hơn cả mét. Chị Hiên trước đây là giáo viên, từng phải “đánh vật” với con đường này hai mùa mưa để đến trường dạy học, nhưng không chịu nổi cảnh đường sá lầy lội nên phải nghỉ dạy. Chồng chị hiện cũng đang dạy học cách nhà 10 km, nhưng cứ vào mùa mưa là phải thuê trọ ở lại, chứ đường sá đi lại khó khăn không thể đi về trong ngày được. “Người dân đi qua đây chỉ cố làm sao mà vượt qua nó, chứ ai còn tâm trí đâu mà dừng lại xem hàng mua bán nữa nên buôn bán chẳng ăn thua. Nguy nhất là ít bữa nữa vào năm học mới, đường sá thế này không biết làm sao để đưa mấy đứa nhỏ đến trường”, chị Hiên lo lắng.

Đường sá lầy lội khiến các phương tiện lưu thông hết sức vất vả. Ảnh: V.Tiếp
Đường sá lầy lội khiến các phương tiện lưu thông hết sức vất vả. Ảnh: V.Tiếp

Câu chuyện với chị Hiên đang dở dang, bất ngờ một chiếc xe máy cày chở khoảng chục người đi làm về lao rầm xuống hố sâu giữa đường ngay trước quán của chị. Bùn ngập sâu gần hết bánh trước khiến chiếc xe bị mắc kẹt, không di chuyển được. Lái xe tăng hết ga, tiếng xe gầm rú inh ỏi, bùn đất và khói đen tung ra tứ phía, đầu xe rung lên bần bật mà vẫn không thoát khỏi được hố sâu. Những người trên xe phải xuống lội bùn bì bõm đến ngang gối phụ đẩy chiếc xe. Sau gần nửa tiếng mướt mồ hôi, nhưng chiếc xe vẫn nằm im, đoàn người ngao ngán lắc đầu đứng nhìn. May cho họ lúc này có một chiếc máy kéo ngang qua, chủ xe hào phóng giúp đỡ chiếc xe mới vượt qua được sình lầy. Anh Y Miên Niê - chủ xe lắc đầu ngao ngán: “Nhà mình ở ngoài trung tâm xã nhưng làm ruộng thì phải đi qua con đường này. Đường với sá thế này thì làm ăn gì được. Sáng sớm đi vào đến ruộng thì đã gần trưa, làm được vài tiếng là phải lo quay trở về nhà, chứ về muộn sợ xe bị sụp hố giữa đường không lên được là hết về được nhà luôn”.

Vật lộn với chiếc xe máy để qua được vũng lầy, ông Nguyễn Văn Đông ở buôn Tung 2 cho biết, nhà ông ở cách UBND xã khoảng 10 km, để di chuyển được quảng đường này phải mất hơn gần hai tiếng đồng hồ. Ông Đông bức xúc cho hay, đường lầy lội, có nhiều hố sâu cả mét, di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm. Đau ốm hay có việc gấp thì không biết làm sao ra ngoài cho kịp. Đường bị hư hỏng cũng khiến giá cả các mặt hàng ở những thôn, buôn bên trong tăng lên do chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao.

 
Theo ông Phạm Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, con đường này đã được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, dự kiến sẽ bố trí vốn để thi công trong giai đoạn 2018-2020. Trước mắt, UBND huyện Lắk bố trí kinh phí 100 triệu đồng để UBND xã Buôn Triết sửa chữa con đường. 

Theo các tiểu thương ở đây, đường sá lầy lội nên xe tải không thể vận chuyển hàng vào tận nơi được. Để có hàng hóa phục vụ người dân ở những vùng này họ phải thuê xe máy cày để tăng bo hàng từ trung tâm xã vào, giá mỗi chuyến như vậy khoảng 500 ngàn đồng nên phải tăng chi phí để bù vào giá cước vận chuyển. 

Nói về con đường này, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Phạm Đình Trọng cho biết, con đường này dài khoảng 10 km đi qua địa bàn 8 thôn, buôn với khoảng 1.000 hộ dân, chiếm 60% số hộ của cả xã. Đã nhiều năm nay, hễ cứ mưa là bà con lại phải chịu lầy lội. Năm nay mưa nhiều hơn nên mức độ hư hỏng cũng nặng hơn. Để khắc phục những điểm hư hỏng nặng, địa phương cũng đã bỏ ra 20 triệu đồng để đổ đá xuống những hố sâu, tuy nhiên chừng đó cũng chẳng bõ bèn gì, được vài ngày lại hư hỏng. “Bà con ở khu vực này khổ sở và bức xúc với con đường này nhiều lắm. Đặc biệt sắp bước vào năm học mới, việc đi lại của các em học sinh và cô thầy giáo sẽ hết sức gian truân. Mong mỏi lớn nhất bây giờ là sớm được đầu tư bê tông hóa con đường để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Trọng bày tỏ.

Vạn Tiếp - Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.