Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 5)

10:15, 26/11/2017

Câu 14: Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý như thế nào? có điểm gì khác với Luật Trợ giúp pháp lý 2006?

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định quyền của người được trợ giúp pháp lý tại Điều 8. Theo đó, người được trợ giúp pháp lý có các quyền:

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

   So với Luật Trợ giúp pháp lý 2006, Luật mới bổ sung làm rõ hơn quyền của người được trợ giúp pháp lý:

- Bổ sung quy định ghi nhận người được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác, được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; được thông qua người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Câu 15: Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý được Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định ra sao?

Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý phải thực hiện 5 nghĩa vụ, đó là:

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Như vậy, Luật mới đã cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2006, sửa đổi, bổ sung nghĩa vụ “Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan” thay vì chỉ “Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan” phù hợp với thực tế công tác trợ giúp pháp lý hiện nay.

Câu 16: Quyền, nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được ghi nhận thế nào?

Tại Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

c) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng;

d) Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

đ) Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

e) Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

g) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

h) Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật mới quy định bổ sung thêm quyền được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật; bổ sung thêm nghĩa vụ bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Phạm Thị Minh Phương (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.