Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Kỳ 1)

10:40, 23/12/2017

Câu 1: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được ban hành và có hiệu lực vào thời điểm nào?

Ngày 20-6-2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã chính thức được Quốc hội thông qua. Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2018.

Câu 2: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 điều chỉnh những nội dung nào?

Theo Điều 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm: Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

Câu 3: Đối tượng nào được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017?

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về đối tượng được bồi thường gồm: Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Câu 4: Người bị thiệt hại được xác định như thế nào?

Người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Câu 5: Những người nào có quyền yêu cầu bồi thường?

Những người có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường là:

- Người bị thiệt hại;

- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Cá nhân, pháp nhân được người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Câu 6: Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường?

Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Câu 7: Người nào được quyền giải quyết yêu cầu bồi thường?

Người giải quyết bồi thường là người được cơ quan giải quyết bồi thường cử để thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường.

Câu 8: Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường phải có điều kiện gì?

Văn bản đủ điều kiện làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường.

Câu 9: Hoàn trả được hiểu như thế nào?

Hoàn trả là trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại một khoản tiền cho ngân sách Nhà nước.

(Còn nữa)

Thu Hà (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.