Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ cuối)

14:22, 15/12/2017

Câu 27: Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý có điểm gì khác so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006?

Tại khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 chỉ quy định 03 hình thức trợ giúp pháp lý là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

Như vậy, trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và định hướng đổi mới công tác trợ giúp pháp lý của Chính phủ, Luật mới đã bỏ các hình thức trợ giúp pháp lý khác nhằm khắc phục việc thực hiện trợ giúp pháp lý một cách dàn trải như hiện nay, theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng; để hoạt động này phản ánh đúng bản chất và yêu cầu của trợ giúp pháp lý.

Câu 28: Trường hợp đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý muốn yêu cầu được trợ giúp thì phải thực hiện như thế nào?

Tại Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định:

1. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

a) Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 29 này; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

b) Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 29 này, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

c) Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, để tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006, Luật bổ sung cơ chế cho phép người được trợ giúp pháp lý gửi đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý qua hệ thống trực tuyến điện tử để được xem xét, chấp nhận thụ lý vụ việc (khoản 2 Điều 29); quy định trường hợp thụ lý yêu cầu trợ giúp pháp lý khi chưa có giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý nếu có căn cứ đòi hỏi phải thực hiện trợ giúp pháp lý ngay nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

Câu 29: Khi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, nếu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý xác định họ đúng đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý thì giải quyết thế nào?

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định: Yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật này. Người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.

Câu 30: Hầu hết người được trợ giúp pháp lý là người yếu thế, do vậy cần hỗ trợ ra sao khi họ chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Trợ giúp pháp lý?

Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.

 Ngoài ra, để kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong quá trình trợ giúp pháp lý, Luật đã quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Như vậy, Luật mới đã khắc phục sự chưa rõ ràng trong các quy định hiện hành về thụ lý vụ việc TGPL; giảm bớt thủ tục hành chính; đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý

Câu 31: Trong Luật trợ giúp pháp lý 2017, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận các trường hợp thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý được xác định ra sao?

Điều 41. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ghi nhận trách nhiệm chung của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng như sau:

1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật này trong hệ thống các cơ quan trực thuộc.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. 

  Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định cụ thể: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương, Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm thụ lý theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng”. 

Câu 32: Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý nói riêng, trong hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung còn được ghi nhận ở các văn bản pháp luật nào?

- Theo nội dung các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (2015) thì quyền được trợ giúp pháp lý (miễn phí) trong tố tụng đã được bảo đảm, như:

+ Điều 71 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng: “1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. 2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản”.

 + Luật thi hành tạm giữ, tạm giam: Điều 9 Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý; Điều 13 Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam: d) Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền hoặc chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Câu 33: Nhiều người thường không phân biệt rõ các bị can, bị cáo, người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa và những người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Phân biệt điều này ra sao?

Một số trường hợp bị can, bị cáo thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý (chẳng hạn là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… theo Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý)

Do đó, tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm chỉ định người bào chữa đối với những đối tượng phạm tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Cụ thể:

“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

 2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: …  b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý”.

 Như vậy, đối với những trường hợp phải chỉ định bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thuộc một trong số 14 đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho họ.

Phạm Thị Minh Phương

(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.