Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 1)

06:48, 02/06/2019

Câu 1. Xin cho biết một số thông tin về Luật Tố cáo năm 2018?

Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-2018, bao gồm 9 chương với 67 điều. Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019 và thay thế Luật Tố cáo năm 2011.

Câu 2. Tố cáo là gì?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: (1) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Câu 3. Đề nghị cho biết cụ thể về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực?

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây: (1) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (3) Cơ quan, tổ chức.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Câu 4. Có phải chỉ có cá nhân mới được thực hiện quyền tố cáo?

Đúng. Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo. Bên cạnh đó, cá nhân phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự, trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật.

Câu 5. Giải quyết tố cáo là gì?

Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Câu 6. Cho biết nội dung các nguyên tắc giải quyết tố cáo?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì các nguyên tắc giải quyết tố cáo bao gồm: (1) Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. (2) Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.