Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 2)

08:34, 09/06/2019
Câu 7. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo?
 
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: (1) Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; (2) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
 
Câu 8. Xin cho biết quyền của người tố cáo theo quy định của pháp luật?
 
Người tố cáo có các quyền sau đây: Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật; được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; rút tố cáo; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
 
Câu 9. Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ của người tố cáo?
 
Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây: Cung cấp thông tin cá nhân quy định của pháp luật về tố cáo; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
 
Câu 10. Nếu cố ý tố cáo sai sự thật thì sẽ bị xử lý như thế nào?
 
Người tố cáo có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
 
Câu 11. Theo quy định của pháp luật thì có mấy hình thức tố cáo?
 
Luật Tố cáo năm 2018 quy định có hai hình thức thực hiện việc tố cáo bao gồm: (1) Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn; (2) Việc tố cáo được thực hiện bằng trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
 
Câu 12. Những nội dung nào cần phải ghi trong đơn tố cáo?
 
Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
 
(Còn nữa)
 
Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)
[links()]
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.