Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 3)

08:28, 16/06/2019

Câu 13. Nếu người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì thực hiện như thế nào?

Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì sẽ được người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ những nội dung theo quy định về việc thực hiện tố cáo bằng đơn (như đã nêu ở câu hỏi trên). Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Câu 14. Có được sử dụng họ tên của người khác để tố cáo không?

Không. Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì việc sử dụng họ tên của người khác để tố cáo là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào có hành vi sử dụng họ tên của người khác để tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu 15. Theo quy định của pháp luật thì tố cáo nặc danh, mạo danh có được tiếp nhận, xử lý không?

Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh, mạo danh là nội dung mới được quy định tại Luật Tố cáo năm 2018, theo đó, không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo (tố cáo mạo danh) hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không bằng các hình thức tố cáo theo quy định (bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền). Chỉ tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý đối với tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

Câu 16. Pháp luật quy định như thế nào về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi bị tố cáo gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo ngay cho cơ quan Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Câu 17. Xin cho biết trình tự giải quyết tố cáo?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì trình tự giải quyết tố cáo bao gồm 4 bước, cụ thể là: (1) Thụ lý tố cáo; (2) Xác minh nội dung tố cáo; (3) Kết luận nội dung tố cáo; (4) Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.