Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Đặc xá năm 2018 (Kỳ 4)

08:31, 29/11/2019

Câu 15. Xin cho biết quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá?

Người được đề nghị đặc xá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được phổ biến chính sách, pháp luật về đặc xá; thông báo Quyết định về đặc xá, văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện của người được đề nghị đặc xá và thông tin khác về đặc xá liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

2. Liên hệ với thân nhân để thu thập giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.

4. Cung cấp giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặc xá; khai báo đầy đủ, trung thực thông tin về cá nhân liên quan đến việc đề nghị đặc xá.

5. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Câu 16. Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm những giấy tờ gì?

Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các văn bản, tài liệu được quy định tại Điều 14 Luật Đặc xá, cụ thể như sau:

1. Đơn đề nghị đặc xá của người bị kết án phạt tù theo mẫu của Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành trong mỗi đợt đặc xá.

2. Bản cam kết của người bị kết án phạt tù về việc không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nếu chưa thi hành xong và chấp hành các hình phạt bổ sung khác (nếu có) theo mẫu của Hội đồng tư vấn đặc xá như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; trục xuất.

3. Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù là người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng; người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân; khi phạm tội là người dưới 18 tuổi; người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù; người từ đủ 70 tuổi trở lên; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình; người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có tài liệu chứng minh liên quan.

4. Bản chính hoặc bản sao văn bản, tài liệu thể hiện việc người bị kết án chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác như: Các biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện việc này hoặc Quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí của Tòa án, Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền hoặc văn bản thỏa thuận của người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người đó về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, Quyết định của Tòa án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận hoặc các văn bản, tài liệu khác thể hiện việc này.

5. Bản chính hoặc bản sao văn bản của người được thi hành án đồng ý cho người bị kết án phạt tù hoãn thi hành hoặc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.

6. Đối với người bị kết án phạt tù là người nước ngoài phải có bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực nhập cảnh (nếu có).

7. Văn bản đề nghị đặc xá của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu theo mẫu do Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành trong mỗi đợt đặc xá.

8. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì ngoài các tài liệu nêu trên còn phải có quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; văn bản nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Câu 17. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá?

Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá được thực hiện như sau:

1.  Ngay sau khi Quyết định về đặc xá được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải niêm yết, phổ biến cho người đang chấp hành án phạt tù biết. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn căn cứ vào quy định pháp luật về các điều kiện được đề nghị đặc xá để làm đơn đề nghị đặc xá.

2. Sau khi nhận được đơn đề nghị đặc xá của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức cho tập thể đội (tổ) phạm nhân họp bình xét, bỏ phiếu kín, giới thiệu người được đề nghị đặc xá nếu có đội (tổ) phạm nhân. Cán bộ quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân có trách nhiệm tổng hợp kết quả cuộc họp bằng biên bản và đề xuất ý kiến về việc đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù do mình phụ trách.

3. Căn cứ quy định của pháp luật về đặc xá, Quyết định về đặc xá và kết quả cuộc họp của đội (tổ) phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.