Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 4)

17:24, 04/05/2020

Câu 20. Việc phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua các biện pháp nào?

Điều 31 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

(1) Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

(2) Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(3) Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân.

(4) Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Câu 21. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm gì trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm?

Điều 32 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

(2) Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(3) Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

(4) Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

(5) Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.

(6) Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Câu 22. Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm gì trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm?

Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm (Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm; diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân; các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật)

(2) Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.

(3) Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Câu 23. Người bệnh, người nhà người bệnh có trách nhiệm gì trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm?

Điều 34 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Người bệnh có trách nhiệm: Khai báo trung thực diễn biến bệnh; Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

(2) Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bác sĩ Khoa khám Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh Tiên  Ông
Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tiên Ông

Câu 24. Pháp luật quy định như thế nào về những đối tượng nào phải kiểm dịch y tế biên giới? Địa điểm kiểm dịch y tế biên giới?

Điều 35 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới, như sau:

(1) Đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới bao gồm: Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam; Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.

(2) Kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện tại các cửa khẩu.

Câu 25. Pháp luật quy định như thế nào về nội dung kiểm dịch y tế biên giới?

Điều 36 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nội dung kiểm dịch y tế biên giới, như sau:

(1) Các đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới (người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam; thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam) phải được khai báo y tế.

(2) Kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

(3) Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hóa trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

(4) Giám sát bệnh truyền nhiễm (Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; giám sát trung gian truyền bệnh; về thông tin, địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác; giám sát mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế).

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.