Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 5)

09:25, 17/05/2020

Câu 31. Nguyên tắc, thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, như sau:

(1) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc: (i) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; (ii) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

(2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Câu 32. Pháp luật quy định việc công bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bao gồm những nội dung gì?

Điều 43 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch, gồm:  Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp; Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp; Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp; Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Câu 33. Cơ quan nào có thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch?

Điều 44 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch, như sau: Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do mình ban bố khi dịch đã được chặn đứng hoặc dập tắt.

Câu 34. Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 46 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, như sau:

(1) Ban chỉ đạo chống dịch được thành lập ngay sau khi dịch được công bố.

(2) Thành phần Ban chỉ đạo chống dịch được quy định như sau: (i) Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, ngoại giao, quốc phòng, công an và các cơ quan liên quan khác. Căn cứ vào phạm vi địa bàn được công bố dịch và tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo; (ii) Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác. Trưởng ban chỉ đạo chống dịch là Chủ tịch UBND cùng cấp. Cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban chỉ đạo.

(3) Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

(4) Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp

Câu 35. Việc khai báo, báo cáo dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về việc khai báo, báo cáo dịch, như sau:

(1) Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

(2) Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

(3) Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.

Điều 6 Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chế độ khai báo dịch: Tại địa phương đang có dịch bệnh, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thực hiện việc khai báo dịch cho nhân viên y tế thôn, bản, trạm y tế xã hoặc cơ quan y tế gần nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện

Điều 7 Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về báo cáo dịch: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về bệnh dịch từ người dân hoặc tự phát hiện các trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch truyền nhiễm, các cơ sở y tế phải báo cáo cho cơ quan y tế dự phòng để điều tra, xác minh trong vòng 24 giờ. Trường hợp xác định thông tin đó là chính xác, cơ quan y tế dự phòng phải báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế nơi xảy ra dịch và báo cáo vào hệ thống báo cáo trực tuyến của Bộ Y tế theo các quy định.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.