Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Lực lượng dự bị động viên (Kỳ 1)

05:47, 13/09/2020

Hỏi: Xin cho biết lực lượng dự bị động viên là gì?

Trả lời: Theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 thì lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội nhân dân. Trong đó:

- Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường, phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện, thiết bị khác được đăng ký theo yêu cầu biên chế của quân đội nhân dân.

- Đơn vị dự bị động viên là tổ chức quân sự gồm phần lớn hoặc toàn bộ là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội nhân dân; có tổ chức, biên chế chưa hoàn chỉnh hoặc chưa tổ chức trong thời bình, nhưng có kế hoạch động viên, bổ sung trong thời chiến khi có lệnh động viên.

Hỏi: Tôi là chủ sở hữu chiếc ô tô tải chở hàng hóa, tình trạng kỹ thuật tốt, đã được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên. Trong một lần huy động phương tiện kỹ thuật ra diễn tập, phương tiện của tôi đã bị hư hỏng nặng. Vậy trường hợp này giải quyết như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 6 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 quy định bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra như sau:

“1. Chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Phương tiện kỹ thuật dự bị bị hư hỏng, bị mất hoặc bị tiêu hủy;

b) Thiệt hại về thu nhập do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị trực tiếp gây ra.

2. Người có thẩm quyền quyết định huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường và việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Trường hợp phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động là tài sản Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bị hư hỏng, bị mất hoặc bị tiêu hủy thì được bố trí kinh phí để sửa chữa hoặc mua mới theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Như vậy, bạn là chủ phương tiện kỹ thuật dự bị bị hư hỏng thì sẽ được bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường và việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho bạn được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Hỏi: Hằng năm, UBND huyện A. đều lập kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên. Năm nay UBND huyện A. được giao đảm nhận thêm một số nhiệm vụ an ninh, quốc phòng nên chỉ tiêu về quân nhân dự bị tăng so với năm trước lên 35%. Vậy trong trường hợp này, UBND huyện A. có cần phải lập mới kế hoạch hay không?

Trả lời: Theo khoản 3 Điều 11 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 quy định kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được lập mới trong trường hợp sau:

- Thay đổi chỉ tiêu về quân nhân dự bị hoặc phương tiện kỹ thuật dự bị từ 30% trở lên;

- Thay đổi địa phương giao hoặc đơn vị nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

Do đó, UBND huyện A. cần phải lập mới kế hoạch vì có sự thay đổi chỉ tiêu về quân nhân dự bị tăng so với năm trước lên tới 35%.

(Còn nữa)

Nguyễn Thanh Bình (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.