Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ một hội thi

09:01, 19/04/2011

Vừa qua, tại trường PTDT Nội trú Nơ Trang Lơng đã diễn ra Hội thi Hoa khôi học sinh các dân tộc năm 2011. Hội thi không chỉ là một sân chơi bổ ích cho thanh niên, học sinh trong trường nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà còn để lại nhiều dấu ấn đáng trân trọng.

Trong cơn lốc của toàn cầu hóa, sự du nhập các nền văn hóa khác nhau đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ về văn hóa truyền thống dân tộc. Nhận thức về văn hóa truyền thống của giới trẻ đang ngày càng bị mai một đã đặt ra một thách thức rất lớn đối với toàn xã hội. Do đó, việc tạo nên những sân chơi mang tính giáo dục văn hóa truyền thống như Hội thi Hoa khôi học sinh các dân tộc là hết sức cần thiết. Và những gì diễn ra tại Hội thi của 31 thí sinh thuộc 14 dân tộc anh em đang học tập tại trường đã để lại nhiều cảm xúc cho những người tham dự. Những trang phục truyền thống rực rỡ, những câu hát, điệu múa mang đậm dấu ấn đặc trưng của các dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc xa xôi đến Tây Nguyên hùng vĩ đã được các thí sinh giới thiệu đến người xem. Nét tự hào không chỉ hiện rõ trên gương mặt các thí sinh đang dự thi mà còn thấy được ở khán giả, những học sinh đang theo học tại trường. Bạn Tô Thị Đào (dân tộc Tày, học lớp 12A4) chia sẻ, mặc dù không tham gia hội thi nhưng em rất xúc động khi thấy bạn mình trong trang phục truyền thống của người Tày, ôm cây đàn Tính trình diễn trên sân khấu, em càng thêm tự hào về dân tộc mình; hơn thế qua hội thi em được được biết nhiều hơn về sự đặc sắc của văn hóa các dân tộc anh em.

Những trang phục, những làn điệu truyền thống đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng những người tham dự.
Những trang phục, những làn điệu truyền thống đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng những người tham dự.
Theo NSƯT Vũ Lân, Trưởng ban Giám khảo hội thi, đây là một sân chơi bổ ích, có tính giáo dục sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả. Nó góp phần giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống, tự hào hơn về dân tộc mình, giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn bản sắc văn hóa dân tộc và từ đó nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa đó. Các em đã có sự chăm chút cho những tiết mục của mình, trình diễn tự tin, điều đó thể hiện sự trân trọng của các em đối với văn hóa dân tộc mình. Sự trân trọng không chỉ thể hiện qua việc giới thiệu trang phục, những điệu múa, câu hát mà còn thể hiện qua việc trả lời các câu hỏi ứng xử. Các câu hỏi do Ban giám khảo đưa ra xoay quanh những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày, quan hệ bạn bè, trường lớp… phù hợp với lứa tuổi của các em, nhưng cũng có nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có sự am hiểu nhất định về văn hóa truyền thống dân tộc. Mặc dù vậy, đa số thí sinh đều thể hiện được sự am hiểu đó và luôn thể hiện niềm tự hào sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc. Trả lời câu hỏi ứng xử về cảm giác khi tham dự hội thi, thí sinh H’Zen Mlô đã thể hiện sự tự hào, vinh dự khi được giới thiệu về trang phục Êđê, văn hóa Êđê đến với mọi người thông qua hội thi…

Có thể nói, chỉ là một hội thi nhỏ, gói gọn trong phạm vi một nhà trường, nhưng cuộc thi đã tạo ra hiệu ứng xã hội rộng lớn và việc tổ chức những hội thi như vậy cần được nhân rộng nhằm góp phần phát huy, bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.