Multimedia Đọc Báo in

Thi công hơn 3 km đường gần 7 năm chưa xong!

04:59, 21/07/2017

Gần 7 năm qua, công trình đường vào thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) mới chỉ hoàn thành 80% khối lượng khiến giao thông đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn…

Công trình đường vào thôn Ea Bar thuộc Dự án Quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư tự do vùng Ea Lang (gồm cả điểm dân di cư tự do Ea Bar, Ea Đók) được khởi công xây dựng vào tháng 9 – 2011, do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 – 8 – 2006 của Thủ tướng Chính phủ về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do… Công trình được xây dựng theo hình thức cấp VI miền núi, mặt đường láng nhựa rộng 3,5 mét, lề mỗi bên rộng 1,25 mét. Tuyến đường có chiều dài 3,5 km, gồm các hạng mục: nền, móng, mặt đường; cầu, cống thoát nước; hệ thống báo hiệu giao thông và công trình phòng hộ.

Một đoạn đường bị sụt lún gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông.
Một đoạn đường bị sụt lún gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tính từ khi công trình được khởi công đến nay đã gần 7 năm trôi qua mà đường vẫn chưa xong! Hiện vẫn còn 2 đoạn (1 đoạn dài 200 mét, 1 đoạn dài gần 2 km) đã được đơn vị thi công tiến hành đào đắp, san gạt nền và lề đường rồi để đó, gây lầy lội về mùa mưa. Ở vị trí chưa thi công, mặt đường gồ ghề có đoạn bị lõm sâu hơn 20 cm, người và phương tiện tham gia giao thông trên đoạn đường này phải men theo 2 dấu lốp xe cày để đi qua. Vào mùa mưa, đường lầy lội, bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối khiến xe chở nông sản, phân bón thường xuyên bị sa lầy… Anh Bùi Văn Thân (đội 1, thôn Ea Bar) nói: “Ngày khởi công xây dựng người dân vui chừng nào thì bây giờ thấy bức xúc chừng ấy! Thi công dở dang rồi bỏ đó, khiến hiện trạng tuyến đường ngày càng trở nên tồi tệ. Nhà tôi ở gần đường nên vào mùa mưa, hầu như ngày nào cũng chứng kiến cảnh người dân bị té xe, sụp lầy. Nhiều lúc đang ăn cơm, nghe tiếng gọi phải bỏ bữa ra kéo xe bị lật giúp người qua đường. Chưa hết, do đường lầy lội nên bất đắc dĩ, sân, vườn nhà tôi và nhiều hộ 2 bên tuyến trở thành lối đi tạm của người dân trong thôn”.

Ông Văn Đức Đông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Bông cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của tuyến đường là do các chế độ chính sách của Nhà nước thay đổi nên chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của công trình tăng cao, trong khi việc bố trí nguồn vốn chưa kịp thời; quá trình thực hiện thi công lại phát sinh thêm chi phí rà phá bom mìn. Do đó, chi phí thực hiện dự án này phát sinh thêm gần 700 triệu đồng, khiến việc bố trí vốn càng trở nên khó khăn hơn…

Thôn Ea Bar có 253 hộ, với 1.659 nhân khẩu, chủ yếu là dân di cư tự do từ miền núi phía Bắc vào, trong đó có hơn 55% hộ nghèo, 24% hộ cận nghèo. Chính vì vậy, việc xây dựng đường vào thôn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại địa phương.

Người dân rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, cấp nguồn vốn để sớm hoàn tất công trình, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa thuận tiện hơn trong sản xuất và đời sống.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.