Multimedia Đọc Báo in

Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trả lời bạn đọc về bổ sung hồ sơ hưởng trợ cấp thương binh

19:28, 14/10/2017
Báo Đắk Lắk nhận được thư của ông Bùi Văn Cường, trú tại thôn Tân Phương, xã Ea Toh, huyện Krông Năng thắc mắc về việc bổ sung hồ sơ hưởng trợ cấp thương binh.

Theo trình bày của ông Cường, năm 1974, ông tham gia nghĩa vụ quân sự. Đến năm 1979 thì bị thương tại Campuchia. Năm 1982 ông Cường xuất ngũ trở về địa phương, sau đó năm 1990 cùng gia đình đi xây dựng kinh tế tại huyện Krông Năng. Năm 2009, ông làm hồ sơ gồm: Quyết định phục viên, Giấy chứng nhận bị thương và các tài liệu liên quan gửi Huyện đội Krông Năng để xin hưởng chế độ trợ cấp cho những người tham gia chiến đấu và bị thương. Theo kết quả giám định, ông Cường thương tật với tỷ lệ 37% và bắt đầu hưởng chế độ trợ cấp từ tháng 9 - 2010. Ngày 16-3-2017, ông Cường nhận được quyết định tạm đình chỉ chế độ trợ cấp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời đề nghị ông liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh trường hợp bị thương trong thời gian tham gia quân đội. Khi đến Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ông được hướng dẫn liên hệ với Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân để xin danh sách và biên bản của đơn vị xác nhận ông bị thương. Tuy nhiên, khi ông đến liên hệ thì được Ban Chính sách, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân trả lời: Đơn vị ông đóng quân là Trung đoàn 953 đã giải tán vào năm 1984 nên không có danh sách người bị thương và biên bản xác nhận việc bị thương để cung cấp cho ông.

Vậy ông có thể đề nghị những người cùng chiến đấu ở đơn vị xác nhận việc ông bị thương thay cho danh sách và biên bản xác nhận bị thương của đơn vị (đã giải tán) để bổ sung hồ sơ hưởng trợ cấp thương binh được không?

Về nội dung này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Trường hợp tạm đình chỉ trợ cấp chế độ của ông Bùi Văn Cường là do qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ tính xác thực của hồ sơ gốc nên yêu cầu ông Cường bổ sung danh sách và biên bản xác nhận bị thương của đơn vị ông từng đóng quân để chứng minh tính xác thực. Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã hướng dẫn cách bổ sung hồ sơ đối với trường hợp này. Ông Cường hỏi về việc đề nghị những người cùng chiến đấu xác nhận làm chứng để thay cho biên bản xác nhận bị thương là không phù hợp, vì trường hợp này chỉ dùng để thiết lập hồ sơ mới hoặc chỉ dùng khi tất cả các giấy tờ gốc đã bị thất lạc. Trường hợp của ông Cường đã có hồ sơ gốc, nay chỉ xác thực lại giấy chứng thương thì cần về lại đơn vị cũ để xin lại biên bản. Nếu đơn vị cũ là Trung đoàn 953 đã giải tán thì đến đơn vị cao hơn là Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân (địa chỉ Phú Quốc – Kiên Giang) để yêu cầu cung cấp. Tại đây, nếu có bất kỳ trả lời nào đều cần thể hiện bằng công văn, giấy xác nhận, sau đó nộp lại cho Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để tổng hợp báo cáo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.