Multimedia Đọc Báo in

Liệu còn đường nào lên đá Voi?

08:52, 26/02/2019

Nổi tiếng vì là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam, lại tọa lạc giữa cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng dưới chân dãy Chư Yang Sin, đá Voi (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) là điểm khám phá thú vị, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan trong suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong chuyến “check in” đá Voi vừa qua, chúng tôi có cảm giác buồn và tiếc nuối vì thắng cảnh thiên nhiên này đang có dấu hiệu bị xâm hại, trục lợi.

Theo thông tin chỉ dẫn, chúng tôi chạy xe máy vào một điểm gửi xe cách chân đá Voi chỉ khoảng 200 m. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là một tấm bảng đóng trên trụ gỗ với hai mũi tên. Mũi tên thứ nhất chỉ ra phía ngoài đường với dòng chữ: “Lối đi tự do không đóng phí”. Mũi tên thứ hai chỉ vào trong nhà giữ xe ghi: “Lối đi sạch sẽ góp ủng hộ 5.000 (VNĐ) mỗi người”. Trong lúc chúng tôi đang lưỡng lự thì một người phụ nữ tiến lại nói: “Đi đường bên này đi em, chị làm đường sạch sẽ, xây cầu bê tông cho tụi em đi đàng hoàng, chỉ ủng hộ chị 5 nghìn đồng thôi!”. Vừa lúc này, một người trong nhóm chúng tôi nhìn thấy tấm bảng thông báo của UBND xã Yang Reh với nội dung: “Khách tham quan không phải nộp bất cứ loại phí nào khi vào tham quan đá Voi”. Chúng tôi quyết định chọn con đường không đóng phí thì người phụ nữ này nói với theo: “Đường đấy ngập nước không đi được đâu! Bao nhiêu người đi rồi đều phải quay lại đi đường này cả thôi”.

Đoạn đường dẫn vào đá Voi ngập nước và lầy lội do dòng suối bị chặn bằng những bao đất, cát.
Đoạn đường dẫn vào đá Voi ngập nước và lầy lội do dòng suối bị chặn bằng những bao đất, cát.

Quả như lời người phụ nữ này nói, cả đoạn đường dài khoảng hơn 10 m bị ngập trũng trong nước, không thể đi qua được. Điều bất ngờ nhất là khi chúng tôi men theo bờ đất cao ven đường thì thấy có ai đó đã dùng nhiều bao đất, cát chặn ngang dòng suối nhỏ khiến nước không thoát được làm ngập đường.

Qua khỏi đoạn đường ngập nước, chúng tôi càng loay hoay hơn khi dọc khu vực sát thân tảng đá đã bị rào bằng dây kẽm gai sắc nhọn với những cọc bê tông chắc chắn. Bên trong hàng rào là lối đi duy nhất lên đỉnh tảng đá với độ dốc thoai thoải, tương đối an toàn. Từ phía bên ngoài hàng rào, chúng tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm nhìn tảng đá sừng sững với độ cao hơn 30 m trước mặt và phải chấp nhận quay lại để đi con đường “sạch sẽ” kia.

Tấm biển mời gọi ủng hộ tiền cho “lối đi sạch sẽ”.
Tấm biển mời gọi ủng hộ tiền cho “lối đi sạch sẽ”.

Sau khi đóng mỗi người 5 nghìn đồng cho người phụ nữ đã nêu, chúng tôi mới được đi vào lối mòn dẫn lên đá Voi. Cây cầu mà người phụ nữ thu tiền nhắc đến chỉ là một tấm bê tông đổ sơ sài trên những mảnh ván gỗ tạp ghép lại, bề rộng chỉ hơn nửa mét. Bên dưới, con suối nhỏ rất ít nước, người lớn chỉ cần bước một sải chân là qua được. Trong lúc này, một nhóm du khách khác chọn con đường không đóng phí phải trèo qua hàng rào dây kẽm gai để vào bên trong thì bị người phụ nữ thu tiền thóa mạ bằng những lời lẽ rất khó nghe. Bà ta cho rằng phần đất này thuộc sở hữu của mình, cả phân nửa tảng đá kia cũng nằm trong địa phận do bà quản lý?!

Với mỗi người, 5 nghìn đồng chỉ là khoản tiền nhỏ. Song, tại một địa điểm đang “hút” khách tham quan như đá Voi, có thể nhẩm tính số tiền thu được hằng ngày không hề ít. Số tiền trên dùng để làm gì, giao cho ai quản lý thì khách du lịch không thể biết được. Trong khi đó, bảng thông báo của UBND xã Yang Reh cũng chỉ khiến cho khách du lịch thêm phần bực dọc vì biết rõ không tốn phí vẫn bị “móc túi”. Không rõ, chính quyền địa phương có biết việc “ép” khách đóng phí không mà chưa có động thái xử lý hiệu quả tình trạng chặn suối, rào đường của một số hộ dân để trục lợi từ thắng cảnh này, tạo nên cái nhìn xấu xí trong lòng du khách về môi trường du lịch nơi đây...

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.