Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông cần lắm một con đường

09:29, 05/09/2019

Đến Krông Bông, ai cũng ái ngại vì giao thông đi lại quá khó khăn.

Đường về huyện Krông Bông có hai tuyến, một tuyến bắt đầu từ ngã ba Yang Reh, đoạn Tỉnh lộ 12 nối với Quốc lộ 27 vào trung tâm huyện và một tuyến từ thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), đoạn từ Tỉnh lộ 9 nối với Quốc lộ 26 về trung tâm huyện Krông Bông. Tuyến Tỉnh lộ 9 có một cây cầu Cư Băm, nhưng cuối năm 2017 cây cầu đã bị lũ lớn làm sập, khiến Tỉnh lộ 9 bị tắc. Kể từ đó đến nay, người dân chỉ lưu thông phương tiện, hàng hóa, nông sản... trên tuyến Tỉnh lộ 12 để giao thương với bên ngoài.

Điều đáng nói, Tỉnh lộ 12 đã được xây dựng cách đây gần 20 năm, với chiều dài gần 50 km, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Chỉ một đoạn đường chưa đến 14 km, tính từ ngã ba Yang Reh vào trung tâm huyện Krông Bông, đi ô tô phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Tài xế chỉ dám chạy 20 km/h, vì đường đi quá xấu, đoạn thì ổ voi ổ trâu, có đoạn thì đất đá lô nhô, nếu chạy tốc độ cao dễ mất lái và gây ra tai nạn.

Một đoạn tỉnh lộ 12 từ Quốc lộ 27 vào trung tâm huyện Krông Bông xuống cấp  nghiêm trọng.
Một đoạn tỉnh lộ 12 từ Quốc lộ 27 vào trung tâm huyện Krông Bông xuống cấp nghiêm trọng.

Huyện Krông Bông có 13 xã và 1 thị trấn, với 20 nghìn hộ, gần 100.000 khẩu. Đời sống của người dân dựa vào nông nghiệp mà chủ yếu là làm lúa và trồng ngô, sắn nên thu nhập thấp. Toàn huyện vẫn còn trên 32% số hộ nghèo, hiện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết chỉ mới đạt 10 - 11 trên 19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Hai thành viên Phước An, hoặc Tập đoàn Cargil muốn làm trang trại heo giống và heo con cung cấp cho địa bàn Tây Nguyên, nhưng khi đi khảo sát thực tế tại địa phương họ thấy đường đi lại khó khăn nên cũng từ bỏ ý định đầu tư. Nếu để những con đường đi như vậy thì huyện khó có thể kêu gọi đầu tư.

Xã Cư Pui, 1 trong 5 xã ở huyện Krông Bông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nằm cách trung tâm huyện 25 km. Đời sống của người dân trong xã còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xã có 2.450 hộ thì có đến 47% hộ nghèo, 27% hộ cận nghèo, bình quân tổng thu nhập năm 2018 của người dân trong xã mới chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, bà con trong xã cũng đã rất nỗ lực, nhưng sản phẩm nông nghiệp làm ra bán giá rẻ do bị thương lái ép giá. Các mặt hàng tiêu dùng cũng đắt đỏ, người dân không có điều kiện để phát triển kinh tế, khó khăn chồng chất, cái đói nghèo cứ đeo bám mãi. Có một số hộ dành dụm được ít tiền muốn xây dựng nhà cửa thì vật liệu tăng gấp đôi so với bên ngoài. Hằng năm, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải cũng cấp kinh phí sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp. Nhưng thực tế là sửa đoạn trước hư đoạn sau, cho nên hiệu quả cũng không cao. Bà con trong xã mong muốn được Nhà nước đầu tư, quan tâm, nâng cấp Tỉnh lộ 12 giúp dân bớt khổ.

Được biết cuối năm 2018, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT Đắk Lắk đã khởi công nâng cấp 14 km Tỉnh lộ 12 (đoạn từ Quốc lộ 27 vào trung tâm huyện), với số vốn đầu tư là 40 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 9 km, sửa chữa 5 km. Công trình đã khởi động 6 tháng thì dừng lại khiến Tỉnh lộ 12 càng thêm nham nhở.

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT Đắk Lắk, đơn vị chủ đầu tư nâng cấp, sửa chữa 14 km Tỉnh lộ 12 cho biết, trước đây Sở Giao thông vận tải đã lập dự án nâng cấp đoạn đường này với số vốn 80 tỷ đồng, nhưng chỉ được duyệt đầu tư 40 tỷ đồng nên mới thực hiện nâng cấp 9 km và sửa chữa 5 km.

Theo ông Hạ, công trình sẽ được tăng nguồn đầu tư thêm 40 tỷ đồng nên đã tạm dừng thi công để thay đổi thiết kế. Thế nhưng theo tìm hiểu, việc tăng thêm kinh phí 40 tỷ đồng mới chỉ là đề xuất của một số sở, ngành liên quan chứ chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, cũng như chưa được HĐND tỉnh thông qua. Như vậy, việc nâng cấp đường không biết bao giờ mới thực sự hoàn thành, người dân vẫn chỉ biết đợi và mong mỏi một con đường đi thuận tiện để thoát nghèo.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.