Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk trong sưu tập ảnh "Miền mơ tưởng"

13:59, 26/04/2017

Khá nhiều hình ảnh về vùng đất, con người Tây Nguyên chụp bởi những nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên hiện đang được lưu giữ tại các bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân ở nước ngoài.

Một trong những bộ sưu tập ảnh quý giá gần đây được mang về Việt Nam triển lãm là bộ sưu tập ảnh tư liệu dân tộc học gồm 200 bức ảnh về cuộc sống ở Tây Nguyên do Jean - Marie Duchange (người Pháp, sinh năm 1919) chụp vào những năm 1952 - 1955. Trong bộ ảnh này có khá nhiều hình ảnh độc đáo được tác giả chụp tại tỉnh Đắk Lắk vào những năm 50 của thế kỷ 20.

Jean - Marie Duchange từng có 4 năm làm nhân viên y tế ở Tây Nguyên. Ông say mê văn hoá của các dân tộc bản địa nơi đây và lại đam mê nhiếp ảnh nên đã chụp rất nhiều ảnh về vùng đất này. Sinh thời, khi ở tuổi 88 với ý định xuất bản tập sách ảnh về Tây Nguyên, ông viết Lời nói đầu tập sách như sau: “Tôi không phải là nhà dân tộc học, cũng không phải là nhiếp ảnh gia... nhưng tôi đã dấn thân. Tôi mang từ Pháp sang các tài liệu, chậu rửa ảnh, tất cả các thiết bị cho công việc này và nhất là chiếc máy ảnh Reflex 6x6 bi-objectif. Trong những năm đó, tôi đi nhiều nơi bằng xe jeep, đi bộ, dùng thuyền độc mộc, cưỡi voi... Tôi chụp vì tình yêu, sở thích của chính mình”. Tuy nhiên, Jean - Marie Duchange đã qua đời khi tập sách vẫn chưa được ra mắt công chúng. Gần đây, thực hiện ý định, mong ước tốt đẹp của người thân đã quá cố, bà Évelyne Duchange và bà Nadège Bourgoin, con gái và cháu ngoại của nhà nhiếp ảnh, đã tặng một phần các phim âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và một phần cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Jean - Marie Duchange, tác giả bộ sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”.
Jean - Marie Duchange, tác giả bộ sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”.

Bộ ảnh “Miền mơ tưởng” được thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samflex chụp phim âm bản khổ 6x6, là các loại máy ảnh tiên tiến thời bấy giờ. Ông Jean-Marie Duchange và gia đình đã bảo quản rất cẩn thận bộ sưu tập nên đến nay các hình ảnh vẫn có chất lượng rất tốt.

Bộ ảnh cung cấp cho người xem những hình ảnh chân thực, sống động của Tây Nguyên một thời quá khứ chưa xa với nhiều mảng chủ đề như chân dung của các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ…; cách phục sức hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ 20 mà nay hầu như không còn tồn tại. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc đặc trưng Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỉ mỉ.

Giở hàng xuống từ lưng voi.
Giở hàng xuống từ lưng voi.

 

Nhà mồ người Êđê của buôn Ma Diap.
Nhà mồ người Êđê của buôn Ma Diap.

Người xem sẽ thấy hình ảnh của ngôi nhà mồ Êđê Mthur ở buôn Ma Diap với phong cách kiến trúc đặc trưng, có nhiều hoa văn trang trí, các tượng khỉ, voi, nồi đồng bố trí trên các đỉnh cột… Bên cạnh đó là bức ảnh chụp giàn cúng cơm đơn giản đặt trên ngôi mộ mới của người Êđê. Bức ảnh “Làng M’nông Gar” ở huyện Lắk với những ngôi nhà trệt khá dài lên đến hàng chục mét. Cùng chủ đề về nhà cửa có bức ảnh chụp một ngôi nhà có mái uốn khum ở đầu hồi, đây là lối kiến trúc nhà ở đặc trưng của người M’nông Gar. Gây ấn tượng cho người xem là bức ảnh chụp một bến nước của người Êđê với hàng chục ống nứa dài tuôn chảy dòng nước mát từ mạch núi ra, vài phụ nữ và trẻ em đang lấy nước, giặt giũ, một người mẹ địu em bé trong tấm thổ cẩm, bên cạnh họ là những chiếc gùi có chân đế chứa đầy vỏ bầu khô để lấy nước. Các bức ảnh về voi cũng rất đáng chú ý. Đó là bức ảnh chụp một chú voi đang đứng trước sàn hiên của ngôi nhà dài chờ chủ bốc hàng trên bành xuống. Hay bức ảnh chụp một chú voi chở hàng qua nơi ngập nước, trên mặt nước đầy hoa bèo, trên lưng voi là người nài mặc áo Êđê “đại bàng dang cánh”, tay cầm dùi điều khiển voi. Về kiến trúc, người xem không khỏi thích thú khi được ngắm lại ngôi nhà dài Êđê ở buôn Tak, tỉnh Đắk Lắk với nét kiến trúc và điêu khắc, trang trí khá đẹp mắt trên cầu thang chính và hai cây cột ngoài của ngôi nhà.

Máng nước của người Êđê. (Ảnh của Jean-Marie Duchange)
Máng nước của người Êđê. (Ảnh của Jean-Marie Duchange)

Đúng như nguyện vọng của người kế thừa bộ ảnh, sau khi trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bộ ảnh đã được giới thiệu tại tỉnh Đắk Lắk - nơi xuất xứ của các tác phẩm đậm chất dân tộc học này -  với chủ đề “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ 20”. Để tổ chức trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ Viện Pháp (Institut Francais). Cuộc triển lãm được thể hiện bởi công nghệ hoàn toàn mới, 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập) in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt. Các tác phẩm tuyệt vời này được bài trí sống động trong không gian rộng mở tạo cảm giác thân thiện với người xem và sự gần gũi với đời sống dân dã thời bấy giờ; những bức ảnh còn được xếp đặt thành một bức khảm, được dựng thành một video clip tạo điều kiện cho công chúng dễ dàng thưởng ngoạn bộ sưu tập bằng nhiều hình thức.

Sau khi được triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Kon Tum, bộ sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng” của nhiếp ảnh gia Jean-Marie Duchange đã được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk trong dịp Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và kéo dài đến hết năm 2017. 


Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.