Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2017)

Tổng Bí thư Lê Duẩn và những cống hiến to lớn cho Cách mạng Việt Nam

10:45, 05/04/2017

Bài 1:  Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất  của Cách mạng Việt Nam

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí say mê đọc “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin... từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công.

Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ và cũng năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, chúng kết án 20 năm tù cầm cố và giam đồng chí ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Tháng 10 - 1936, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Lê Duẩn và nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Vừa ra khỏi nhà tù, đồng chí tham gia ngay vào các hoạt động cách mạng sôi nổi ở các tỉnh miền Trung. Năm 1937, đồng chí Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây đồng chí đã cùng với tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền Trung với nhiều chủ trương và phương pháp sáng tạo.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.  (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)

Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và cuối năm đó đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (viết tắt là BCHTW), quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: từ đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chuyển sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết Hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định từ Hội nghị thành lập Đảng năm 1930. Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Năm 1940, đồng chí Lê Duẩn lại bị địch bắt tại Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền.

Từ năm 1946, đồng chí được ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào BCHTW và Bộ Chính trị. Từ năm 1946 - 1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của Mặt trận thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Quân và dân Nam Bộ đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch đánh chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để thôn tính nước ta.

Từ năm 1954 - 1957, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1957, Trung ương cử đồng chí lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 9-1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào BCHTW và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Đảng về phong trào cách mạng ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và BCHTW Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên không khí phấn chấn, tràn đầy niềm tin tưởng, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà “Đề cương cách mạng miền Nam” nêu lên là cơ sở để ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 

Là người chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn không những là một kiến trúc sư chiến lược, một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu, quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn và vững chắc của cả nước, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; mà còn là người chỉ đạo tổ chức cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở tiền tuyến lớn miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào BCHTW, Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư BCHTW Đảng; từ năm 1978 đồng chí là Bí thư Quân uỷ Trung ương. Đồng chí Lê Duẩn là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.

Đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTW từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng, đó là: việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH; là sự  bảo đảm vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng của Tổ quốc; là những thành tựu về văn hóa, đạo đức, cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ XHCN đem lại. Với những thành tựu đó, đất nước ta đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh với bao biến động chính trị quốc tế to lớn để tiếp tục tiến lên con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa.

Suốt đời kiên cường đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, “lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn”. Đồng chí là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta.

(Còn nữa)

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.