Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh dẫn tới thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 tại Đắk Lắk

08:43, 01/09/2017

Ngay sau khi ra đời (2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh dẫn đến sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở các địa phương thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trước đòn tấn công mạnh mẽ của cách mạng, thực dân Pháp tìm mọi biện pháp đối phó. Bên cạnh đàn áp, bắt bớ tiêu diệt những người Cộng sản bằng “khủng bố trắng”, thực dân Pháp quyết định mở rộng và xây dựng mới nhiều nhà tù, nhà đày trên cả nước, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Năm 1930, khi Nhà đày Buôn Ma Thuột mới được cải tạo, xây dựng, chỉ có 30 tù nhân cộng sản, đến năm 1935, khi công trình hoàn tất với diện tích gần 2 ha thì số lượng tù nhân đã tăng lên 399 người. Quy mô nhà đày có 6 buồng giam, tên gọi từ lao 1 đến lao 6, với sức chứa 100 người mỗi lao. Sự giam cầm, đày ải, đàn áp dã man của thực dân Pháp không ngăn được tinh thần đấu tranh của tù chính trị ở nhà đày.

Tháng 10-1932, những tù nhân cộng sản liên hệ với một số nhân viên y tế của nhà đày bí mật lập ra “Hội tương trợ” với nhiệm vụ chính là giúp đỡ tù nhân bị ốm đau, động viên giữ vững tinh thần, cùng nhau phản đối khi bị đánh đập… Một số tù chính trị đã có sáng kiến làm báo chép tay để chuyền cho nhau đọc. Một số tờ báo chép tay ra đời, tuy số lượng không nhiều nhưng đã có tác dụng vận động, đoàn kết Kinh - Thượng và đấu tranh chống chế độ nhà tù. Tháng 6-1934, đồng chí Nguyễn Duy Trinh viết thư lên Khâm sứ Trung Kỳ, phản đối chế độ giam cầm, đày ải dã man tại nhà đày. Đầu năm 1935, được tin Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và một số quan chức chính quyền đến nhà đày, Ban lãnh đạo tù nhân chuẩn bị đầy đủ cứ liệu, nhân chứng để tố cáo chế độ giam cầm tại đây. Với sự chứng kiến và ủng hộ của nhà báo tiến bộ Pháp Andre Violit, sự thật về chế độ tù đày đã được phơi bày trước báo chí trong nước và thế giới, tên cai ngục khét tiếng ác độc bị điều chuyển đi nơi khác và một số yêu sách của tù nhân được đáp ứng.

Trong thời kỳ Dân chủ (1936 - 1939), chế độ của tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột có những cải thiện nhất định, Ban lãnh đạo tù nhân quyết định tập trung tuyên truyền, giác ngộ đồng bào trong vùng. Các tù nhân cộng sản đã móc nối ra bên ngoài, tìm cách xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, những cơ sở quần chúng đầu tiên của Đảng lần lượt ra đời như:Hội nhà tù, Ban bảo vệ quyền lợi, Ban thương lượng, Ban vận động cách mạng, Cách mạng chiến sĩ đoàn, Nhóm trung kiên…

Đoàn viên thanh niên tham quan di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.  Ảnh: V. Anh
Đoàn viên thanh niên tham quan di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: V. Anh

Cuối năm 1940, Ban lãnh đạo tù nhân quyết định thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên gồm 10 đồng chí, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư chi bộ và các ủy viên gồm Ngô Tuân (Ba Đốc), Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Trần Tống, Nguyễn Hữu Khiếu. Sau đó, nhiều quần chúng ưu tú lần lượt được kết nạp vào Đảng, đến năm 1945, Chi bộ đã phát triển trên 150 đảng viên. Các tổ chức Đảng tiếp tục phát triển thêm lực lượng quần chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Những đối tượng mà các đảng viên Cộng sản hướng đến để vận động, cảm hóa là sĩ quan và binh lính trong quân đội Pháp, những nhân viên y tá, người phục vụ bệnh nhân, nhân viên lao dịch nhà lao, viên chức, học sinh sinh viên,….

Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Tại Đắk Lắk, quân Nhật tuyên bố đảo chính quanh những đồn Pháp ở thị xã Buôn Ma Thuột và nổ trung liên vào các đồn. Quân Pháp nhanh chóng đầu hàng, nhiều sĩ quan Pháp bị bắt, binh lính Pháp bị vô hiệu hóa. Tại Buôn Ma Thuột, Nhật đưa Nguyễn Sỹ Tuấn lên làm chỉ huy trưởng Tiểu đoàn khố xanh, Y Bih Alêô làm chỉ huy phó, sau đó đơn vị này đổi tên thành “Tiểu đoàn Bảo an”.

Sau ngày 9-3-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim muốn tranh thủ lôi kéo tù chính trị nên nới lỏng chế độ, cho tù nhân sinh hoạt dễ dàng hơn. Lợi dụng tình hình đó, đầu tháng 4-1945, theo chủ trương của Chi bộ Đảng, Ban lãnh đạo tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột phát động cuộc đấu tranh đòi thả tù nhân. Quần chúng từ các đồn điền, buôn làng xung quanh Buôn Ma Thuột, công chức, trí thức, học sinh kéo đến nhà đày và trước nhà Tỉnh trưởng, đưa yêu sách thả tù chính trị. Trước phong trào quần chúng đang dâng cao, chính quyền thân Nhật buộc phải trả tự do cho một số tù chính trị.

Công việc quan trọng trước mắt của các chi bộ là củng cố những cơ sở nòng cốt để thành lập các tổ chức Cứu quốc. Các tổ chức thuộc Mặt trận Việt Minh lần lượt ra đời như Hội Công chức cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc… với trên 200 hội viên, trong đó có nhiều nòng cốt là người dân tộc thiểu số. Đến tháng 6-1945, các hội Cứu quốc đã có cơ sở đều khắp trong tỉnh, đặc biệt ở thị xã và các địa bàn dọc theo đường 21. Đồng bào các buôn như buôn Alê, Păn Lăm, buôn Ky, buôn Niêng, Kô Sier, Kô Tam… hăng hái gia nhập Việt minh. Một số trí thức, học sinh dân tộc thiểu số đang làm việc và học tập ở tỉnh ngoài cũng trở về tham gia hoạt động tại địa phương. Tiêu biểu có đồng chí Y Ngông Niê Kdăm, lúc này đang học Trường Y khoa Đông Dương ở Sài Gòn cũng đã trở về tham gia cách mạng và trở thành lãnh đạo xuất sắc của phong trào.

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các địa phương trong cả nước lần lượt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk triệu tập cuộc họp tại đồn điền Ca Đa, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Sáng 19-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk ra đời, gồm các đồng chí Phan Kiệm (Trưởng ban), Phạm Sỹ Vinh (Phó ban) và các ủy viên gồm Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Bih Alêô, Thái Xuân Đồng, Y Ngông Niê Kdăm. Ngày 20-8-1945, một phái đoàn của Tỉnh bộ Việt Minh do đồng chí Nguyễn Khắc Tính dẫn đầu kéo đến trại lính Nhật, đưa ra yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Trước thế yếu của mình, quân Nhật chấp nhận hoàn toàn các yêu cầu do Việt Minh đưa ra. Tại sân vận động Buôn Ma Thuột, ban tổ chức mít tinh của địch chủ quan, tin tưởng lực lượng bảo an binh Nhật, nhưng khi chúng chuẩn bị làm lễ thì phái đoàn Việt Minh xuất hiện, có tiểu đội Bảo an do Y Blốk Êban chỉ huy theo sau. Đồng chí Phan Kiệm bước lên lễ đài tuyên bố: “Các đơn vị bảo an và toàn thể nhân dân đã đi theo Mặt trận Việt Minh làm cách mạng. Chính quyền Đắk Lắk đã thuộc về tay nhân dân, cho nên hôm nay chưa phải là ngày chào cờ của chúng ta, đồng bào hãy giải tán, chờ lệnh cấp trên, chúng ta sẽ có cuộc mít tinh chính thức”.

Ngày 24-8-1945, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, gồm cả đồng bào Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số, già trẻ, gái trai với gần 3.000 người và gần 500 lính bảo vệ, Ủy ban Cách mạng lâm thời đã trịnh trọng ra mắt và tuyên bố vĩnh viễn xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật - Pháp, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân dân hưởng ứng 10 chính sách lớn của Việt Minh, ra sức xây dựng cuộc sống mới. Ngày 24-8-1945 đánh dấu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Buôn Ma Thuột và toàn tỉnh Đắk Lắk. Ách thống trị thực dân, đế quốc từng đè nặng lên các dân tộc Đắk Lắk đã bị sụp đổ.

Nhìn lại lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk, có thể nhận thấy số lượng đảng viên Cộng sản ở đây chưa nhiều, lại hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn; lực lượng vũ trang chưa có; thành phần dân tộc, tôn giáo đa dạng với trình độ sản xuất, phong tục tập quán khác nhau… nhưng Đắk Lắk đã chuẩn bị kỹ lưỡng và khởi nghĩa giành chính quyền thành công, nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có thể khẳng định, đó chính là khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ thấm nhuần tư tưởng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền dạy, ngay từ đầu những chiến sĩ tù cộng sản đã có ý thức về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, những người tù chính trị đã biết tự tổ chức, đề ra mục tiêu đấu tranh và giúp đỡ nhau trong cuộc sống lao tù. Bên cạnh đó, những người tù cộng sản đã lợi dụng mọi cơ hội để cảm hóa, vận động, giác ngộ và giáo dục những người từ “phía bên kia” tin theo cách mạng và đi theo cách mạng để cùng nhau vươn đến thành công.

TS Lương Thy Cân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.