Multimedia Đọc Báo in

Bí mật "chuồng cọp" ở Côn Đảo được dư luận thế giới biết đến như thế nào?

07:43, 29/04/2018
Không chỉ có “chuồng cọp”, ở nhà tù Côn Đảo còn có cả “chuồng bò” được Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng giam giữ tù binh. Sự thật về “chuồng cọp” đã bị phanh phui nhờ công của một nhóm các nhà báo, trợ lý đoàn Quốc hội Mỹ và cựu binh từng bị giam giữ nơi địa ngục trần gian.

Địa ngục trần gian

Nhà tù Côn Đảo từng được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ phạm nhân đặc biệt nguy hiểm. Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo đã giam giữ nhiều chiến sĩ cộng sản và những người ái quốc chống chính phủ thuộc địa. Sau đó, nhà tù Côn Đảo tiếp tục được Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng giam cầm tù binh chính trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Địa điểm nổi tiếng nhất trong nhà tù Côn Đảo là khu “chuồng cọp” - tên gọi khu trại giam được xây dựng để giam giữ  tù chính trị cao cấp của Việt Minh, quân Giải phóng và những người tham gia chống Pháp. Khu “chuồng cọp” được xây dựng năm 1940, với tổng diện tích 5.475 m², phòng giam 1.408 m², "phòng tắm nắng" 1.873 m² và khoảng trống 2.194 m². Tổng cộng có 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng) với hành lang ở giữa dành cho cai ngục kiểm soát, hành hạ tù nhân như ném vôi bột hay dội nước bẩn. Ngoài ra, còn có 60 phòng không có mái che được gọi là phòng tắm nắng với 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc dùng làm nơi đánh đập tra tấn.

Côn Đảo – nơi có thắng cảnh hấp dẫn nhưng cũng từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Côn Đảo – nơi có thắng cảnh hấp dẫn nhưng cũng từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

“Chuồng cọp” do Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng năm 1971, còn được gọi là Trại 7 hay là Trại Phú Bình với tổng diện tích 25.768 m²; trong đó, diện tích phòng giam 3.800 m2, khu phụ trợ 173 m², khoảng trống 22.369 m² gồm 384 phòng biệt giam (chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng). Đây là hệ thống nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp. Ở khu “chuồng cọp”, tù nhân bị giam trong những căn phòng rộng khoảng 5 m2, không có giường,  bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn, hỏi cung. Để tránh bị dư luận phản đối, “chuồng cọp” được Mỹ xây biệt lập, giữ bí mật trong suốt thời gian dài không ai biết được. Đến 12 giờ đêm 30-4, rạng sáng ngày 1-5-1975, tù chính trị, tù nhân đã nổi dậy chiếm được nhà tù Côn Đảo, chấm dứt 113 năm tồn tại của trại giam này.

Bên cạnh “chuồng cọp”, ở Côn Đảo còn có cả “chuồng bò” được xây dựng từ năm 1876 nhằm nuôi bò cung cấp thực phẩm cho bộ máy cai trị tù. Đến năm 1930, thực dân Pháp cho xây dựng thêm 9 phòng giam, sử dụng “chuồng bò” như một trại giam các tù nhân nữ, sử dụng hầm phân bò để ngâm người tù như một biện pháp tra tấn hành hạ. “Chuồng bò” có tổng diện tích 4.410 m2, diện tích phòng giam 547 m2.

Dư luận biết về bí mật “chuồng cọp” nhờ báo chí

Theo bài viết “The Tiger Cages of Viet Nam” (Những chuồng cọp Việt Nam) của nhà báo Mỹ Don Luce đăng trên tờ Historiansagainstwar.org, từ tháng 7-1970, sự thật “chuồng cọp” trong hệ thống nhà tù Côn Đảo đã bị phanh phui, gây chấn động thế giới. Người đầu tiên khám phá ra bí mật này là Don Luce và Tom Harkin, trợ lý  đoàn Quốc hội Mỹ, sau này là Thượng nghị sĩ Mỹ. Theo Don Luce, việc phát hiện ra “chuồng cọp” là nhờ vào bản đồ của một tù nhân bị giam trong “chuồng cọp” vẽ, là cựu sinh viên Sài Gòn Cao Nguyên Lợi. Từ cuối năm 1969 đầu 1970, ở Sài Gòn liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình yêu cầu trả tự do cho các học sinh, sinh viên đang bị giam giữ tại Côn Đảo khiến chính quyền Sài Gòn phải thả một số học sinh, sinh viên, trong số này có Cao Nguyên Lợi. Khi được thả, ông Lợi đã mang theo “vật kỷ niệm” về “chuồng cọp” nói trên. Từ đây, Don Luce và Tom Harkin đã bí mật điều tra, đi theo một con hẻm bí mật giữa hai dãy nhà tù và tìm ra cánh cửa nhỏ dẫn đến các lồng sắt giữa các bức tường của nhà tù.

Ở Việt Nam, trước tiên tù binh người Việt được các cố vấn Mỹ tra tấn trước, sau đó chuyển cho đồng minh Sài Gòn tra tấn tiếp và đưa vào biệt giam. Một số tù binh Việt Cộng còn bị ném ra khỏi máy bay trực thăng, hoặc nông dân còn bị cột chặt vào cọc để giữa trưa nắng hè chang chang. Theo tờ New York Times số ra ngày 3-3-1973, số tù nhân bị giam tại Côn Đảo là 20.000 đến 30.000, nhưng cũng có nguồn tin cho biết có trên 200.000 người. Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn tuyên bố họ chỉ giam giữ không quá 5.000 người.

Năm 1970, Tổng thống Mỹ Nixon cử một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ đến Việt Nam để điều tra về tình hình bình định. Một phần trong nhiệm vụ của nhóm là đến thăm hệ thống nhà tù ở Nam Việt Nam. Việc làm này thực chất là để che mắt thiên hạ, mở đường cho Mỹ được phép đến thăm một nhà tù mà các phi công Mỹ bị giam giữ tại miền Bắc Việt Nam. Tom Harkin đã thuyết phục hai nghị sĩ là Steve McQueen và Dustin Hoffman tiến hành điều tra việc tra tấn ở “chuồng cọp”, Don Luce đi cùng với tư cách là phiên dịch.

Hình ảnh “chuồng cọp” lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Life năm 1970.
Hình ảnh “chuồng cọp” lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Life năm 1970.

Khi đến Sài Gòn, Tom Harkin đã gặp Don Luce, lúc đó là chuyên gia nông nghiệp, nhà báo, thư ký Hội đồng Nhà thờ thế giới, Giám đốc Cơ quan tình nguyện Quốc tế ở Việt Nam từ cuối năm 1958. Don Luce từng phục vụ 13 năm tại Việt Nam như một nhà thiện nguyện, một "hiệp sĩ"  bảo vệ người yếu thế, nên khả năng  tiếng Việt của ông rất tuyệt vời. Don Luce đã sắp xếp cho Cao Nguyên Lợi gặp Tom Harkin tại khách sạn để tìm hiểu về “chuồng cọp” phục vụ cho chuyến đi sắp tới. Tuy đến khảo sát "chuồng cọp" nhưng đoàn nghị sĩ Mỹ lại không có manh mối, trong khi đó, cố vấn trại giam người Mỹ, Frank Walton lại khoác lác Côn Đảo là “Trại giải trí Hướng đạo sinh”, "Nhà tù lớn nhất của Thế giới tự do” nên việc tìm ra sự thật không khác gì “mò kim dưới đáy biển”.

Theo Don Luce, sự giống nhau lớn nhất giữa nhà tù của chế độ Việt Nam Cộng hòa và Abu Ghraib được người Anh xây dựng tại Iraq năm 1950 là được người Mỹ dạy và trả lương cho cảnh sát và quân đội để tra tấn tù binh.

Nhờ bản đồ do Cao Nguyên Lợi vẽ, nhóm điều tra đã tìm thấy cánh cửa nhỏ dẫn tới những cái lồng giữa các bức tường nhà tù. Một lính canh bên trong nghe tiếng động hỗn loạn bên ngoài và mở cửa. "Tại đây hình ảnh của các tù nhân trong lồng đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Người đàn ông với ba ngón tay bị cắt rời, một người khác đã chết hộp sọ bị vỡ toác, và nhiều tu sĩ Phật giáo Huế, những người đấu tranh chống sự đàn áp các phật tử trong tình trạng thê lương. Tôi còn nhớ như in mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào phát ra", Don Luce  ghi lại.

Các bức ảnh do Harkin chụp được tại nhà tù Côn Đảo đăng trên tạp chí Life số ra ngày 17-7-1970 đã nói lên tất cả, đặc biệt là cảnh giam giữ tồi tệ và sự tra tấn dã man. Một cuộc biểu tình quốc tế nổ ra sau đó và do áp lực của dư luận quốc tế, 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ được chuyển khỏi các “chuồng cọp”. Nhiều người được đưa đến bệnh viện tâm thần do chấn thương tâm lý quá nặng, một số đã được chuyến đến các nhà tù khác.

Trong bài viết “Tom Harkin - Từ chuồng cọp đến Pinochet” (Tom Harkin - From Tiger Cages to Pinochet), đăng trên trang nhất tờ Rollcall.com của Mỹ ngày 1-12-2014, Tom Harkin, giờ đây là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ở bang Iowa đã nghỉ hưu, một lần nữa khẳng định “di sản nhân quyền” mà Mỹ để lại tại “chuồng cọp” ở Việt Nam là hoàn toàn có thật, nó tàn ác không khác gì quyền con người bị chà đạp dưới chế độ độc tài Augusto Pinochet ở Chilê. “Qua việc phát hiện sự thật về “chuồng cọp” tôi mới hiểu ra rằng vì sao sự thật lại bị bưng bít, làm cho Quốc hội Mỹ không hề hay biết, thậm chí Quốc hội còn chấp nhận các tài liệu xuyên tạc “giả như thật” trong nhiều năm liền, làm cho lợi ích công cộng bị bỏ qua. Đây là âm mưu trắng trợn nhất, dối trá nhất được Chính phủ Mỹ che đậy vì mục đích chính trị. Sự thật sẽ còn bị che giấu đến đâu nếu không có những người đứng ra tố cáo, đặc biệt là những người trong cuộc như cựu tù nhân Cao Nguyên Lợi và nhiều người Việt Nam yêu lẽ phải và công lý khác”, Tom Harkin chua chát nhận xét.

Nguyễn Khắc

(Dịch từ RCC/HO/NYT- 2/2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.