Multimedia Đọc Báo in

Đường 20 Quyết thắng...

07:46, 25/04/2018

Trong hệ thống đường Hồ Chí Minh thì đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình chính là nút thắt chiến lược để vận tải vật lực, khí tài từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhìn thấy điểm xung yếu đó, đế quốc Mỹ đã biến địa bàn Quảng Bình trở thành tuyến lửa với hàng vạn tấn bom đạn được trút xuống hòng phá hoại, cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho cách mạng miền Nam. 

Mặc bom rơi đạn nổ, các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) ngày đó đã kiên quyết bám trụ vị trí trọng yếu này để bảo đảm cho đường thông, xe qua. Để “chia lửa” cho mảnh đất Quảng Bình, Bộ Giao thông và Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định mở thêm các tuyến đường ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Đường 20 Quyết thắng, một trong những con đường huyền thoại trong những năm đánh Mỹ đã được ra đời từ đây.

Vì miền Nam ruột thịt, đã có một số lượng lớn các chiến sĩ bộ đội và TNXP xông ra giữa lửa đạn để xẻ núi, bắc cầu. Để mở xong tuyến đường dài 125 km, chúng ta đã phải huy động hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ, công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, 5, 10 và 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với các đơn vị cơ giới, đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh.

Cửa vào hang  Tám cô.
Cửa vào hang Tám cô.

Sau những ngày “dời non lấp bể”, mồ hôi, nước mắt liền kề với mất mát, đau thương, ngày 5-5-1966, đường 20 - Quyết thắng được khai thông, mở ra cánh cửa mới nối tiếp công cuộc đưa sức người, sức của đến với miền Nam ruột thịt. 

Đường 20 xẻ ngang dãy núi Trường Sơn, với điểm đầu là km 0 thuộc địa phận Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), đích đến là Lùm Bùm (Lào) rồi tiếp tục nối với đường 128 (Lào) và nhập vào đường 9 (Quảng Trị). Mục đích của đường 20 trước hết tránh cho các đoàn xe ô tô chở bộ đội, hàng hóa ùn tắc ở túi nước Xiêng - Phan (Lào), nơi mà mùa mưa có lúc lụt sâu tới hơn 6 m dễ trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Đường 20 mở ra đã phân tán có hiệu quả sự chú ý của địch vào một đầu mối oanh tạc duy nhất là các trọng điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam.

Thời điểm đó, ở Quảng Bình không chỉ tuyến đường 20 được mở ra mà còn có thêm ba con đường 10, 12, 15 vận hành cùng một lúc đã khiến Mỹ điên cuồng sử dụng các loại vũ khí tối tân, kể cả máy bay B52 tạo nên những tọa độ lửa hòng cắt đứt các đoàn xe chi viện vào chiến trường miền Nam. Số lần đánh phá tăng theo cấp số nhân, nếu như mùa khô 1965 - 1966, địch đánh phá 102 lần ở đường 20 thì đến 1970 - 1971 số lần công kích là 926 lần.   

Trên tuyến đường 20 huyền thoại tồn tại những địa danh bất tử (dốc Ba Thang, hang Thông tin, hang Y tá, hang Tám cô…), và những địa danh luôn gắn liền với những chiến công bất tử, mãi là biểu tượng cách mạng sáng ngời. Hang Tám cô - địa danh đặc biệt gắn với câu chuyện lịch sử bi hùng.  Ngày 14-11-1972, máy bay B52 rải thảm dọc đường 20 và trước cửa một hang đá, 5 chiến sĩ pháo binh đã trúng bom và hy sinh. Ngay lúc đó, một tiểu đội TNXP gồm 8 chiến sĩ (Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai) đang làm nhiệm vụ đã chạy vào hang ẩn nấp. Không may, sức công phá của bom đã làm cho một tảng đá nặng khoảng 100 tấn sập xuống khiến cửa hang bị bịt kín. Lúc ấy, biết các đồng đội còn sống nhưng tất cả đều bất lực, sự sống được lắng nghe qua tiếng kêu cứu vọng ra từ trong hang và kéo dài qua ống nhựa chứa cháo loãng được luồn qua kẽ hở núi đá. Cứ thế, sang ngày thứ chín thì những chiến sĩ bị mắc kẹt trong hang đã hy sinh. Năm 1995, tảng đá ấy được di dời và hài cốt các anh, các chị được đưa về đất mẹ Thanh Hóa.

Cây rao ráng trước cổng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20  Quyết Thắng là nơi bộ đội Trường Sơn – TNXP đã dùng mảnh bom  treo làm kẻng báo động mỗi khi có máy bay địch.
Cây rao ráng trước cổng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng là nơi bộ đội Trường Sơn – TNXP đã dùng mảnh bom treo làm kẻng báo động mỗi khi có máy bay địch.

Cách hang Tám cô khoảng 2 km là hang Y tá, gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng, quê ở Phú Thọ. Cũng vào một ngày của tháng 11-1972, y tá Sặng theo đoàn làm nhiệm vụ chăm sóc và chuyển tải thương binh ra Bắc điều trị, khi đoàn nghỉ chân ở km 18 đường 20 thì chị Sặng bị sốt rất cao. Biết mình không qua khỏi, để không gây cản trở đoàn hành quân, chị đã tự nguyện nằm lại và lặng lẽ hy sinh trên cánh võng cá nhân ngay cạnh hang đá bên tuyến đường 20. Ba ngày sau, thi thể chị Sặng được các chiến sĩ khôi phục cầu đường phát hiện và mai táng bên cạnh hang đá. Hang Y tá là tên gọi thiết tha, bằng tất cả sự cảm phục và tiếc thương trước sự hy sinh quên mình của chị Nguyễn Thị Sặng.

Tuyến đường 20 Quyết thắng - Con đường huyền thoại được xây đắp và giữ gìn bằng nước mắt và máu xương của lớp lớp người con đang độ tuổi thanh xuân ngày ấy.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.