Multimedia Đọc Báo in

Hành trình về những chiến khu trên vùng Đất Tổ

08:31, 19/08/2018
Trong những ngày đầu thu tiết trời trong lành, mát mẻ, chúng tôi về thăm những chiến khu trên vùng Đất Tổ Phú Thọ. Đây là những căn cứ quan trọng gắn với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Hành trình về thăm chiến khu lịch sử đã khơi dậy trong lòng mỗi người niềm tự hào về ý chí của quân và dân ta trong những tháng ngày sôi sục vùng lên giành chính quyền...
 
Cách đây 73 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, các chiến khu cách mạng lần lượt được thành lập tại các vùng đất của Phú Thọ. Điển hình là Chiến khu Vần - Hiền Lương được thành lập tháng 5-1945, tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) và làng Vần (Trấn Yên, Yên Bái). Được thành lập từ chủ trương tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ là phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ, Chiến khu Vần - Hiền Lương là một trong 7 chiến khu quan trọng trong cả nước, tạo sự liên lạc giữa các chiến khu, làm nên những “bàn đạp” cho cuộc tổng khởi nghĩa. 
 
Vào tối 14-5-1945, tại chùa Hiền Lương, trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng, đội du kích Âu Cơ đã được thành lập với 33 đội viên. Sau hơn một tháng hoạt động, đội du kích đã phát triển lên tới 100 đội viên. Uy tín và ảnh hưởng của đội du kích Âu Cơ và khu căn cứ Vần - Hiền Lương ngày càng lớn mạnh đã tác động đến quân Nhật ở Yên Bái. Hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, đội du kích Âu Cơ đã bí mật phá kho thóc Nhật ở gần đầm Vân Hội vào ngày 13-6-1945, thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết nạn đói cho nhân dân.
 
Tiếp đó, vào rạng sáng 2-8-1945, đúng theo kế hoạch, mặc dù nước lũ dâng cao nhưng đội du kích Âu Cơ đã phân chia làm các tổ chặn đường tấn công của Nhật, tước khí giới, khiến cho toán quân Nhật tan tác, một số phải bỏ chạy về Yên Bái. Đến nay, người dân Hiền Lương và làng Vần vẫn đọc cho nhau nghe những vần thơ nói về khí thế sôi sục của những ngày tiền khởi nghĩa ở chiến khu Vần- Hiền ngày ấy: “Nhật về khủng bố Âu Cơ/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/Bốn thằng chết, một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi!”. 
 
Cùng với Chiến khu Vần - Hiền Lương, do có vị trí đồi núi hiểm trở, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Đại Phạm (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã được Trung ương chọn làm nơi dừng chân của Liên khu X. Tại địa điểm này, lực lượng của ta tiến hành các mũi tấn công địch tại Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Hòa Bình. 
 
Chùa Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), địa điểm thành lập Đội du kích Âu Cơ.
Chùa Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), địa điểm thành lập Đội du kích Âu Cơ.
Tại xã Đại Phạm, Cục Quân huấn đặt xưởng in để in tài liệu, sử dụng hang Dơi để sản xuất vũ khí, đặt xưởng may quân phục tại khu vực đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ). Đây cũng là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của Liên khu. Ngày 29-8-1945, Mặt trận Việt Minh lấy sân đền Chu Hưng làm trụ sở để tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, biểu ngữ, khẩu hiệu được giăng kín sân đền cùng những tiếng hô đồng thanh tiếng hát đồng ca của nhân dân trong xã. Chiến khu X cũng là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc như Hội Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc.
 
Vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Khi ấy, quân và dân hai nước Việt, Lào đã đoàn kết cùng nhau vượt mọi gian khổ để tiêu diệt kẻ thù, lấy địa bàn hoạt động chính là khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, dựa vào lợi thế rừng núi để hoạt động. Về phía nước bạn Lào, vào thời điểm đó, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản giữ vai trò là Trưởng Ban xung phong Lào - Bắc cùng 14 chiến sĩ từ mật khu kháng chiến ở Phiêng La, xã Chiềng On thuộc Yên Châu (Sơn La), nơi có đồng bào người Mông sinh sống. Vùng đất này giáp biên giới Việt - Lào nên thuận lợi cho việc liên kết cũng như phối hợp hoạt động kháng chiến để đánh đuổi kẻ thù chung. Được sự đùm bọc và che chở của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La, Ban xung phong Lào - Bắc đã vượt rừng, vượt sông Đà để tiến về vùng sông Thao khu vực Phú Thọ ngày nay để tạo dựng phong trào và tổ chức. 
 
Vượt qua đò sông Hồng vào địa phận xã Ấm Thượng cũ (nay là thị trấn Hạ Hòa), Ban xung phong Lào - Bắc đã nhanh chóng tiếp cận với Liên khu X và đến được địa điểm đền Chu Hưng. Nhân dân quanh vùng Chu Hưng đã giữ bí mật tuyệt đối cho cán bộ Lào và ra sức đùm bọc, nuôi giấu, hỗ trợ về mọi điều kiện. Ngày 16-4-1949, tại sân đền cổ Chu Hưng đã diễn ra lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Lào, lấy tên là Lát-Xa-Vông. 
 
Từ đội vũ trang nhỏ ra đời tại ngôi đền cổ Chu Hưng vào năm 1949, bộ đội Pa-thét Lào đã trưởng thành vượt bậc, dũng cảm chiến đấu chiến thắng cả thù trong giặc ngoài, giành độc lập cho dân tộc. Cũng từ đó, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc ngày càng khắng khít. Khi hai nước được giải phóng, sạch bóng quân thù, vào những dịp kỷ niệm lớn, đoàn cán bộ cấp cao của Lào đã tổ chức những chuyến trở về Chu Hưng, thăm lại nơi ra đời của đội vũ trang Lát-Xa-Vông, tiền thân của quân đội Lào ngày nay. 
 
Ngày nay, cuộc sống ở các chiến khu nơi vùng Đất Tổ đã khởi sắc; mỗi di tích gắn liền với những chiến khu cách mạng là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.  
 
Nguyễn Thế Lượng
 

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.